BVR&MT – Quảng Ninh được nhắc đến như một điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội. Đây là cơ hội để phát huy nội lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền. Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chính sách, đồng bộ giải pháp bản thân các đối tượng được thụ hưởng cũng cần phải nêu cao tinh thần tự vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Đề án 196: “Nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020” đã được tỉnh thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học và quyết tâm cao trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Để hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ, tạo động lực phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân.
Nhiệm vụ quan trọng, then chốt góp phần vào thành công của đề án 196 là Xây dựng Nông thôn mới; Căn cứ Chỉ thị số 07 -CT/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 08/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018; Kế hoạch số 7819/KH-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018: Qua khảo sát thực tiễn, Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tham mưa tới tỉnh Ủy, UBND tỉnh về thực hiện các mô hình xây dựng Nông thôn mới, mô hình thôn Nông thôn mới, mô hình vườn mẫu Nông thôn mới …. theo hướng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, kết hợp tạo cảnh quan môi trường. Kế hoạch năm 2018 toàn tỉnh có ít nhất 1.000 hộ tham gia xây dựng vườn mẫu Nông thôn mới. Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn bám sát theo chủ đề năm của tỉnh “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”
Thực hiện tốt chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), triển khai có hiệu quả chủ đề của năm 2018 của Chương trình là “Tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm” theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư. Tăng cường quản lý nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm OCOP, phấn đấu xây dựng chương trình OCOP chở thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế…
Thu hút, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp nông thôn, Hợp tác xã theo luật Hợp tác xã năm 2012 bằng việc tạo điều kiện hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, Hợp tác xã với nông dân để nâng cao tạo chuỗi giá trị và sản lượng tiêu thụ hàng hóa.
Xây dựng chính sách trợ cấp xã hội đối với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, chuyển sang nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với trách nhiệm từng người nghèo. Tiếp tục triển khai các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững như: đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng
Mục tiêu của kế hoạch xây dựng Nôn thôn mới Quảng Ninh: Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phấn đấu năm 2018 có thêm 12 xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch; hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được ổn định.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Đối với Đề án nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, trong thời gian tới Chủ tịch UBND các huyện tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn đảm bảo hiệu quả, chất lượng đầu tư; cần chủ động việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, sự hỗ trợ của các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trong thực hiện Đề án, đặc biệt vốn vay từ các ngân hàng. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể và nhiệm vụ đã được phân công để hoàn thành mục tiêu số hộ thoát nghèo 2.270 hộ toàn tỉnh, đảm bảo giảm nghèo thực chất, bền vững…
Trong những năm qua sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để đánh giá kết quả. Song song với đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững các địa phương thường xuyên được củng cố, kiện toàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách, giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đang “đánh thức” những tiềm năng về điều kiện tự nhiên và nội lực con người ở Quảng Ninh “thổi bùng” lên những mong muốn, khát khao thoát nghèo bền vững của người dân. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi con người cụ thể đã được hỗ trợ trên mọi phương diện, tạo thêm động lực để các hộ gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất.
Từ những kết quả đạt được, Chương trình xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đang được các cấp ủy, chính quyền quán triệt sâu sắc. Quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao từ nội lực của địa phương. Để công tác giảm nghèo đạt kết quả bền vững cũng rất cần các đối tượng thụ hưởng phải nêu cao tinh thần tự vươn lên thoát nghèo.
Phượng Long