BVR&MT – Toàn huyện Thông Nông có 11 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 10 xã, nhưng có đến 10 xã được thụ hưởng đầu tư theo chương trình 135 và 30a của Chính phủ. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế. Nhận thức rõ những ưu nhược điểm của địa phương, nên ngay từ đầu năm Đảng bộ, chính quyền huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.
Thông Nông là một huyện vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm Thành phố Cao Bằng 49 km, tiếp giáp với các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng và huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài gần 14 km.
Về diện tích tự nhiên 35.729 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 5.217 ha, đất lâm nghiệp 28.374 ha; đất khác 2.138 ha. Địa hình của huyện, cơ bản là đồi, núi và bị chia cắt mạnh với độ dốc lớn. Vùng núi đá vôi có nhiều hang động, còn lại là vùng lòng máng tương đối bằng phẳng nhưng nhỏ hẹp, nằm ven chân núi. Toàn huyện chia thành 2 vùng: Vùng rẻo cao, lưng chừng núi: Nằm ở phía Đông và phía Tây, chiếm phần lớn diện tích của huyện, canh tác chủ yếu là trồng ngô, đỗ tương, lạc, cây ăn quả. Vùng lòng máng: Chủ yếu ở 5 xã (Cần yên, Lương Thông, Đa Thông, Lương Can và thị trấn Thông Nông) là vùng khá bằng phẳng nằm ven chân núi, có vị thế rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Có nhiều sông suối, đất canh tác chủ yếu là trồng lúa nước, ngô, đỗ tương,….
Cơ cấu dân số: Đồng bào dân tộc chủ yếu là Mông, Dao, cuộc sống quanh năm chủ yếu là làm nương rẫy, nên việc học hành, chăm lo cho các con được đi học là một việc vô vàn khó khăn. Trong những năm qua mặc dù đã được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, các cấp, các ngành nhưng cuộc sống bà con vẫn chưa thể đổi thay. Đứng trước những khó khăn đó Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện đã chủ động tham mưa cho cấp Ủy, Chính quyền huyện những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như: hỗ trợ đi làm việc tại nước ngoài là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn huyện nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số;
Các chính sách được hỗ trợ: hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước; hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí tiền ở trong quá trình tham gia đào tạo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Mức hỗ trợ: đối với hộ cận nghèo hỗ trợ tối đa bằng 70% mức hỗ trợ đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội thông báo chính xác cụ thể các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động được phép tuyển dụng trên địa bàn; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ tổ chức đưa lao động đi nước ngoài làm việc có thời hạn, rà soát, phối hợp với các đơn vị, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện.
Bà Sùng Thị Dậu – Xóm Lòn Phìn, xã Lương Thông, huyện Thông Nông (lời dịch từ tiếng Mông) cho biết: “Nhà tôi ở xa xã lắm, muốn xuống được chợ phải đi gần nửa ngày mới tới nơi mà toàn phải đi bộ, xe máy không thể đi được, điện thì không có chỉ thắp đèn dầu, nhà thì nghèo quanh năm nhà tôi chỉ biết quanh quẩn với con gà, trồng ngô, lúa nên cuộc sống khó khăn lắm”.
Đồng chí Đỗ Văn Thắng, Phó bí thư huyện Ủy, Chủ tịch UBND huyện Nông Thông cho biết: “Tháng 12 huyện sẽ tiếp nhận lợn nái giống do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; song song huyện sẽ thành lập đoàn phúc tra lại kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 tại xã Yên Sơn; tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện tốt việc hỗ trợ chính sách cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hoàn thành công tác cấp thẻ BHXH cho các đối tượng này, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc và miền núi”.
Ngoài những chính sách hỗ trợ trực tiếp giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, hàng năm nguồn vốn từ các Chương trình 30a và 135 của Chính phủ đã hộ trợ ngân sách để đầu tư kiên cố hóa cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, giáo giục đảm bảo theo đúng các tiêu chí.
Cụ thể năm 2018 riêng chương trình 30a tổng số vốn được giao là 20,375 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kiến cố hóa 12 công trình, tính đến tháng 11 đã giải ngân được 12.637.315 nghìn đồng đạt 67,1% tổng số vốn trong năm.
Chương trình 135, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn bản đặc biệt khó khăn; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hướng dẫn cách nuôi trồng, chăm sóc và thu hoạch đối với các mô hình trồng nghệ, trồng gừng, trồng tỏi, trồng lạc hữu cơ và nuôi lợn đen (lợn bản địa).
Vốn giao hỗ trợ phát triển sản xuất là 650 triệu đồng thực hiện hỗ trợ cung ứng giống lạc L14 nguyên chủng và vôi bột cho các xã Cần Nông, Lương Thông và Bình Lãng với diện tích thực hiện là 72ha (Lương thông 28ha; Bình Lãng 30ha; Cần Nông 14ha) qua kiểm tra thực tế, các xã đã hoàn thành việc giải ngân, giống lạc phát triển tốt cho thu hoạch cao.
Mặc dù rất nhiều chính sách được chính quyền huyện hỗ trợ, để bà con đồng bào dân tộc thoát nghèo, nhưng đến nay chỉ tiêu hộ nghèo trên toàn huyện vẫn ở mức cao; trong thời gian tới Đảng bộ, Chính quyền huyện Thông Nông cần có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa, tạo sinh kế cho đồng bào, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện.
Phượng Long