BVR&MT – Sáng ngày 21/11, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công về thích ứng biến đổi khí hậu do các tổ chức xã hội hỗ trợ” do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp cùng Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội vào quá trình xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GFF), Chương trình tài trợ nhỏ tại Việt Nam (SGP) tài trợ.
Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Bộ NN&PTNT, các chuyên gia hàng đầu về BĐKH cùng đại diện các tổ chức, mô hình thích ứng BĐKH tại Phú Thọ, Kon Tum, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng -LHHVN cho biết, Dự án được triển khai từ tháng 3/2018 đến tháng 2/2019. Hội thảo sẽ lấy ý kiến của các đại biểu và thành viên của Dự án để hoàn thiện Bộ tiêu chí cũng như quy trình xây dựng NAP về thể chế, cơ chế chính sách, tài chính, thông tin…
Song hành cùng với những nỗ lực ở tầm vĩ mô và tập trung vào chính sách của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã và đang thực hiện rất nhiều những hoạt động hỗ trợ các nỗ lực ứng phó BĐKH ở cấp cộng đồng.
Theo bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch SRD – Trưởng ban điều hành Mạng lưới VNGO&CC, các dự án của các NGO thường tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn đang phải hứng chịu nhiều tác động của BĐKH và tập trung vào những nhóm đối tượng chính như những nhóm người nghèo, nhóm người dân tộc thiểu số, những đối tượng thiệt thòi và những nhóm dễ bị tổn thương khác.
Những kết quả đầu ra chủ yếu của những hoạt động do NGOs thực hiện thường là những mô hình mang tính đại diện và/hoặc những sáng kiến ứng phó với BĐKH ở cấp độ cộng đồng. Những kết quả này thường có những đặc điểm chung như có tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu thực tế của cộng đồng và nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân & chính quyền địa phương.
Với mục tiêu tăng cường năng lực vận động và đối thoại chính sách về BĐKH cho các tổ chức xã hội (TCXH) và các đại diện các cộng đồng dễ bị tổn thương với BĐKH trên cơ sở đó đóng góp có hiệu quả vào quá trình xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH; Tạo lập diễn đàn chia sẻ thông tin về tính dễ bị tổn thương với BĐKH, rủi ro thiên tai của một số vùng nơi các TCXH đã thực hiện thành công nhiều dự án thích ứng về BĐKH; Đồng thời dự án sẽ tư liệu hóa các mô hình thành công về thích ứng BĐKH – đó là chia sẻ của GS. TSKH Trương Quang Học, Trưởng ban điều hành dự án.
Được biết, các hoạt động chính của Dự án NAP nhằm xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá các mô hình thích ứng với BĐKH; Rà soát đánh gía các mô hình thích hứng với BĐKH do TCXH và GEF SGP hỗ trợ thành công để chia sẻ với cơ quan soạn thảo NAP; Tổ chức hội thảo đầu bờ tại địa bàn có mô hình thích ứng BĐKH thành công và các cuộc họp TCXH để góp ý cho NAP; Tổ chức hội thảo chia sẻ mô hình thích ứng BĐKH do TCXH và GEF SGP hỗ trợ thành công có thể đóng góp cho NAP; Tổ chức diễn đàn đối thoại giữa cơ quan soạn thảo NAP và các bên liên quan; Tư liệu hóa và chia sẻ các hoạt động, bài học kinh nghiệm về sự tham gia của các TCXH vào quá trình xây dựng NAP; Tọa đàm về các TCXH tham gia NAP; Tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch duy trì sự tham gia của TCXH vào quá trình xây dựng NAP.
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Hà – chuyên gia dự án NAP về bộ tiêu chí đánh giá mô hình thích ứng với BĐKH có 7 tiêu chí và 29 chỉ tiêu rất phù hợp với đường lối thích ứng BĐKH của Việt Nam đồng thời phù hợp với các tiêu chí chung của quốc tế. Tuy nhiên, dựa trên danh sách 33 mô hình được rà soát cho thấy các bộ tiêu chí chỉ đánh giá mức độ phụ thuộc còn ít chú ý tới BĐKH, tính bền vững.
Các phương pháp xác định chỉ tiêu rất khác nhau từ phức tạp nhưng khi áp dụng đánh giá thực tế lại giống nhau ở định tính/bán định lượng. Chính vì vậy, các tiêu chí cần tập trung vào tính thích ứng cộng đồng, lấy kế sinh kế là yếu tố cốt lõi; Nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng và các bên liên quan về thích ứng BĐKH, sự tham gia của các bên liên quan với vai trò cầu nối, thúc đẩy của các tổ chức phi chính phủ; Các cách tiếp cận chính trong xây dựng các mô hình thích ứng đặc biệt cần nâng cao nhận thức, năng lực, truyền thông cộng đồng tốt…
Tại Hội thảo, có 4 mô hình được Hội đồng đánh giá rất cao về khả năng thích ứng cũng như áp dụng thực tế đó là: Mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín không rác thải của SRD, Mô hình Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp cho Phụ nữ và nông dân người dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á (Lào – Việt Nam – Campuchia); Xây dựng chuỗi thực phẩm hữu cơ BIOPHAP tại Kon Tum – Tây Nguyên, Sản xuất lạc hiệu quả bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cam Lộc – Quảng Trị.
Thông qua Hội thảo lần này, Dự án sẽ xuất bản một số tài liệu chính thức để gửi đến các cơ quan chính phủ, nhà tài trợ gồm có Bộ tiêu chí, danh mục các mô hình rà soát và các khuyến nghị về vai trò của CSos trong tiến trình của NAP trong thời gian tới.
Hậu Thạch
https://baovemoitruong.org.vn/