BVR&MT – Người dân sẽ ra sức phá rừng một khi sinh kế không được đảm bảo và ngược lại, họ sẽ nỗ lực giữ rừng nếu rừng trở thành sinh kế của họ.
Phá rừng do tập tục và quản lý yếu kém
Xã Hiếu thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum từng nổi tiếng với mô hình rừng cộng đồng do Dự án phát triển Quỹ các-bon cộng đồng tài trợ, thậm chí, nơi đây còn được coi là mô hình điểm về rừng cộng đồng của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Vậy nhưng, một vài năm gần đây, Hiếu lại là cái tên khá nổi trong các điểm nóng phá rừng mà “lâm tặc” không ai khác chính là người dân địa phương. Rất nhiều diện tích rừng tự nhiên đã ngã xuống để cho những nương mỳ mọc lên.
Ông Bùi Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho hay xã có 15.000 ha rừng, diện tích lớn, cơ quan quản lý tuy bao gồm cả lâm trường và kiểm lâm địa bàn, song do tập tục du canh, người dân vẫn liên tục phát rừng làm rẫy.
“Họ cứ canh tác hai năm rồi lại bỏ, khi nào cây lớn lên họ quay lại phát. Hầu hết diện tích canh tác đều không có sổ đỏ, họ canh tác lâu ngày nên tự coi đó là đất của mình”, vị Bí thư xã Hiếu chia sẻ thêm.
Về việc xử lý vi phạm, lãnh đạo xã cho biết nếu phát hiện vi phạm, xã sẽ không chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng mà dùng số tiền đó để trồng rừng trả lại. Tuy nhiên, có những hộ thì chấp hành, có hộ thì cố tình vi phạm và với các hộ này, xã sẽ kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện xã Hiếu có 799 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo chiếm xấp xỉ 58%, cuộc sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng nên việc lấn rừng, phá rừng khó có thể tránh. Điều đáng buồn là diện tích rừng bị phá nhiều nhất lại chính là diện tích rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng và nhóm hộ quản lý, bảo vệ.
Bức tranh ở Hiếu cũng khá tương đồng với xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, thậm chí phá rừng ở Cà Dy còn công khai hơn. Tới Cà Dy, nhóm phóng viên dễ dàng bắt gặp từng nhóm thanh niên khỏe mạnh điều khiển trâu kéo những lóng gỗ dài chừng 3 m, đường kính 40 – 50 cm vượt dòng Đăk Mi cạn khô (vì thủy điện) và sau khi gỗ được kéo lên ven đường thì các đối tượng lập tức dùng xe máy chở đi tiêu thụ.
Theo ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã Cà Dy, hiện xã có Ban quản lý bảo vệ rừng gồm 15 người, mỗi thôn lại có tổ quản lý từ 9 -15 người nhằm kiểm tra, ngăn chặn khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, vẫn không tránh được tình trạng rừng bị phá, trong đó các đối tượng vi phạm chủ yếu từ nơi khác đến, tập trung khai thác ở vùng giáp ranh. Sau nhiều vụ vi phạm xảy ra, huyện Nam Giang đã cắt cử riêng cho xã một kiểm lâm địa bàn, đồng thời xã cũng tổ chức ngăn chặn, truy quét và xây dựng các chương trình phối hợp với sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, lâm nghiệp. Nếu phát hiện tang vật, xã sẽ kiểm tra và thu giữ rồi giao cho kiểm lâm xử lý.
Ngoài những lý do muôn thuở như địa bàn rộng, phức tạp, lực lượng mỏng…, lãnh đạo xã cũng thừa nhận nguyên nhân chính khiến rừng bị mất như hiện nay là do lực lượng Công an xã chưa được quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ trong xử lý vi phạm, đa phần vẫn phụ thuộc vào kiểm lâm địa bàn.
Nhằm hạn chế tình trạng phá rừng dai dẳng, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác trồng rừng, đẩy mạnh mua giống cấp cho hộ nghèo, cận nghèo để khuyến khích bà con trồng rừng, giúp tăng thu nhập, đặc biệt đối với diện tích rừng do UBND xã quản lý, nên giao cho nhóm hộ thì tốt hơn. Hiện diện tích tự nhiên của Cà Dy là trên 20.000 ha, trong đó diện tích có rừng khoảng 11.000 ha và có tới 30 – 40% người dân đang được hưởng lợi từ rừng. Hy vọng chương trình thúc đẩy trồng rừng sẽ góp phần hạn chế tình trạng phá rừng hiện nay.
Nhận định về nguyên nhân mất rừng và giải pháp giữ rừng trên cả địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức lại theo hướng mỗi xã có ít nhất một kiểm lâm, xã nào nhiều rừng có thể bố trí 2 – 3 kiểm lâm địa bàn và biệt phái kiểm lâm này giao chủ tịch xã trực tiếp quản lý, điều hành, đồng thời yêu cầu chủ động phối hợp với cán bộ lâm nghiệp xã và Ban quản lý bảo vệ rừng cấp xã, thôn tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Riêng về lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng ở cấp cơ sở, hiện tỉnh đang tổ chức theo quy mô các nhóm hộ tuần tra bảo vệ rừng, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng mô hình này bộc lộ khá nhiều bất cập, mang tính cào bằng (tương tự như chính sách giảm nghèo) chứ không đề cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, tới đây sẽ tổ chức lại thành các đội tuần tra bảo vệ rừng ở từng thôn, mỗi đội xây dựng hương ước và thành lập các đội thanh niên khỏe mạnh, hiểu biết về địa hình, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng một cách xứng đáng.
Cả thôn xin giao thêm rừng để bảo vệ
Cùng nằm trên địa bàn huyện Nam Giang nhưng ngược với bức tranh ảm đạm ở Cà Dy, người dân ở UBND thị trấn Thạnh Mỹ lại tích cực giữ rừng. Rừng ở đây đã giao hết cho thôn, còn chính quyền xã chỉ phối hợp bảo vệ.
Ông A Rất Chia, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho hay quanh thị trấn chủ yếu trồng keo, bà con bảo vệ rừng rất tốt, nhất là ở thôn Dung, thậm chí họ còn muốn được giao thêm nhiều diện tích rừng để bảo vệ và hưởng lợi từ rừng, từ khai thác lâm sản phụ.
Trao đổi với phóng viên, anh A Hó Phô, Trưởng thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ chia sẻ: “Bà con đa số là người dân tộc sống bằng nghề nông, cơ bản có đất sản xuất. Hiện ở thôn có dự án liên quan đến rừng do nước ngoài hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng. Từ khi tham gia dự án, bà con không chỉ hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trái phép mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm mới từ việc trồng keo. Ngoài hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, dự án còn hỗ trợ cộng đồng thôn bàn ghế, xây dựng hội trường…
A Hó Ben, 29 tuổi, một trong những thành viên bảo vệ rừng thuộc nhóm 3, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dung cho hay anh tham gia nhóm được 4 năm và thường xuyên đi tuần tra, bảo vệ rừng, nếu phát hiện vi phạm, nhóm anh sẽ lập biên bản hoặc có dấu hiệu rừng bị phá thì theo dõi rồi báo cáo Ban quản lý. “Từ khi có dự án bảo vệ rừng, người dân không phá rừng nữa mà chỉ vào rừng kiếm cây mây. Trước người dân chủ yếu làm rẫy nhưng nay các hộ muốn có thêm nhiều diện tích rừng để bảo vệ, chỉ cần có việc làm thì không ai đi phá rừng nữa và mong rằng số tiền tuần tra bảo vệ tăng lên một xíu chứ như hiện nay thì hơi ít”, anh Ben chia sẻ.
Được biết, rừng tại thôn Dung trước đây bị phá nhiều để trồng keo lai nhưng những năm gần đây, rừng được các thành viên trong tổ bảo vệ nghiêm ngặt, nếu phát hiện vi phạm mà các tổ không giải quyết được thì sẽ báo cáo chính quyền xã và kiểm lâm, thậm chí các tổ còn tiến hành kiểm tra chéo nhau. Hiện thôn Dung có 3 tổ, thành lập từ năm 2015 gồm 88 thành viên. Toàn thôn hiện có 529 hộ, trong đó có hơn 150 hộ nghèo. Ngoài dựa vào nguồn kinh phí được nhận từ công tác bảo vệ rừng, chính quyền địa phương và dự án còn hỗ trợ vật nuôi như gà, vịt và cây keo giống để khuyến khích người dân trồng rừng… Điều đáng mừng là không chỉ bảo vệ tốt những diện tích rừng được dự án tài trợ mà cả với những khu rừng không được hưởng hỗ trợ, các hộ ở thôn Dung cũng tích cực tham gia bảo vệ, trong đó có rừng tại Khe Trung và Khe Rọm.
Rừng do UBND xã quản lý sẽ giao về thôn, bản
Tìm hiểu sâu hơn về mô hình quản lý, bảo vệ rừng cấp cộng đồng, nhóm phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đăng Chương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Giang và được ông cho hay rừng trên địa bàn huyện hiện nay theo một số dự án đã giao cho cộng đồng thôn và ở mỗi thôn đều có Ban quản lý rừng cộng đồng gồm những thanh niên khỏe mạnh và những người có uy tín, kinh phí hỗ trợ cho Ban khoảng 300.000 đồng/ha/năm, chưa kể nguồn kinh phí theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 là 100.000 đồng/ha.
Cũng theo ông Chương, hiện huyện có nhiều loại rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh và Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Sông Bung quản lý, còn diện tích do UBND xã quản lý vào khoảng trên 20.000 ha, thực hiện chi trả theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hai năm nay, Phòng được giao nhiệm vụ phối hợp với hai Ban quản lý rừng Sông Thanh và Bắc Sông Bung viết đề án với mức đề xuất chi trả tổng thể là 440.000 đồng/ha nhằm đảm bảo kinh phí cho tổ bảo vệ rừng. Đặc biệt, đề án dự kiến giao rừng cho thôn có đội chuyên trách bảo vệ rừng, mỗi người được giao từ 100 – 150 ha và sẽ hợp đồng trực tiếp với UBND huyện, được đóng bảo hiểm lao động, ưu tiên bộ đội xuất ngũ và thanh niên trai tráng khỏe mạnh, tối thiểu mỗi người được hưởng 3 triệu đồng/tháng. Kiểm lâm địa bàn thì mỗi xã có 1-2 kiểm lâm, cộng đồng thôn cam kết giám sát đội bảo vệ rừng chuyên trách, tỉnh dự kiến chi ngân sách trong trường hợp bảo vệ rừng tốt là 20% tổng số tiền mà thôn thu được. Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, huyện chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Riêng với diện tích rừng do UBND xã quản lý, đề án không đưa vào Ban quản lý huyện vì diện tích nhỏ lẻ, không liên khu, liên khoảnh, thay vào đó, huyện sẽ giao cho đội chuyên trách của xã gồm xã đội trưởng, Ban lâm nghiệp quản lý.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Chương, với diện tích rừng do xã quản lý, nếu chất lượng rừng tốt thì nên đưa về Ban quản lý, còn rừng xấu, rừng lau lách, nhỏ lẻ thì nên đưa về địa phương nhưng không nên giao cho hộ gia đình mà giao cho cộng đồng vì họ có trách nhiệm hơn và có lực lượng để bảo vệ. Hiện nay ở huyện, các Ban quản lý thường giao cho hộ gia đình và cả nhóm hộ, cộng đồng để họ tự tổ chức quản lý, giám sát nhau.
Ở phạm vi bao quát hơn, ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho hay rừng sản xuất tự nhiên do xã quản lý bây giờ thực hiện theo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Phát triển Rừng và Luật Lâm nghiệp mới, theo đó, sẽ tiến hành giao cho cộng đồng để thành lập các Ban quản lý rừng cộng đồng, các Ban quản lý này ký hợp đồng với các đội bảo vệ rừng chuyên trách của thôn, mỗi đội từ 5-7 người, trong đó cứ khoảng 100 -150 ha sẽ tuyển dụng 1 người, người này được trả lương, công tác phí, bảo hiểm đầy đủ như viên chức, thậm chí được ký hợp đồng lâu dài, Ban quản lý sẽ điều hành lực lượng này. Về kỹ thuật, các xã sẽ được trang bị máy tính bảng nhằm giúp chủ rừng, kiểm lâm địa bàn theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và hỗ trợ công tác tuần tra, ghi chép lịch trình, tuyến đi. Trong tương lai, rừng ở Quảng Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn, cuộc sống người dân tham gia bảo vệ rừng cũng được cải thiện.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước đã giao 3.110.781 ha đất có rừng và 1.548.585 ha đất chưa sử dụng cho UBND cấp xã quản lý. Đó là chưa kể tới hơn 1 triệu ha đất rừng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là đất có rừng được các lâm trường quốc doanh trả lại sau khi sắp xếp, cũng sẽ giao cho UBND xã. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng diện tích này nên nhiều khu bị bỏ hoang hoặc sử dụng thiếu/không hiệu quả.
Theo các chuyên gia về lâm nghiệp, cần rà soát lại toàn bộ đất rừng tự nhiên nghèo kiệt đã giao cho UBND xã quản lý, sau đó cho phép chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác theo quy hoạch đối với diện tích rừng nghèo kiệt không thể phục hồi, còn với những diện tích rừng nghèo kiệt có thể khôi phục thì lập kế hoạch giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Số diện tích buộc phải giao cho UBND xã quản lý cần công khai, minh bạch và người dân phải được tham gia giám sát quá trình quản lý của UBND cấp xã, đồng thời UBND cấp xã có trách nhiệm giải trình trước mọi ý kiến giám sát của nhân dân.
Văn Hoàng