BVR&MT – Quyết định nới lỏng lệnh cấm buôn bán xương hổ và sừng tê – vốn đã áp dụng 25 năm nay – của Trung Quốc sẽ gây áp lực rất lớn tới các quốc gia nghèo và các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa trên toàn cầu, theo nhiều chuyên gia bảo tồn nhận định.
Đáp trả những phản ứng đầy quan ngại này, giới quan chức Bắc Kinh lại cho rằng việc chỉ cho phép thương mại những bộ phận động vật được sử dụng trong y học cổ truyền sẽ giúp chính phủ quản lý được nhu cầu hợp pháp.
Đối tượng hưởng lợi chính trong chính sách này chính là các chủ trang trại hổ tại Trung Quốc – nơi sở hữu số lượng hổ nhiều hơn cả số lượng loài này trong tự nhiên trên toàn thế giới cộng lại. Các chủ trang trại nói rằng các chương trình nhân giống của họ có thể đáp ứng nhu cầu về dương vật và xương hổ sử dụng trong y học cổ truyền trong nước, tuy nhiên, các nhà bảo tồn lo ngại việc mở cửa thị trường hợp pháp còn giúp thị trường bất hợp pháp hoạt động hiệu quả hơn.
Dễ nhận thấy trong một vài năm gần đây, Trung Quốc vận động hành lang rất mạnh cho mảng y học cổ truyền, thậm chí, Chủ tịch Tập Cận Bình còn gọi đông y là “viên đá quý” của di sản khoa học nước nhà, đồng thời cam kết hỗ trợ bình đẳng với các loại thuốc tây y và giảm các rào cản pháp lý đối với các loại thuốc đông y.
Trung Quốc cũng đã và đang sử dụng ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của mình để quảng bá cho các loại thuốc đông y ra nước ngoài. Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ bổ sung một chương về đông y trong Bảng Phân loại quốc tế về bệnh tật (The International Classification of Diseases) phiên bản cập nhật. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh cũng đang tích cực vận động hành lang để Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nới lỏng các biện pháp kiểm soát buôn bán các loài được sử dụng trong y học cổ truyền khác.
Trước quyết định nới lỏng lệnh cấm của chính quyền Bắc Kinh, các nhà bảo tồn nhận định động thái này sẽ làm gia tăng xung đột ở nhiều quốc gia châu Phi và châu Á – nơi đang nỗ lực ngăn chặn nguồn cung hổ và sừng tê giác bất hợp pháp.
Rủi ro của hiệu ứng dây chuyền thể hiện khá rõ đối với trường hợp tê tê khiến loài thú có vảy ăn kiến này đã trở thành động vật bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới.
Mặc dù vảy tê tê đã bị cấm buôn bán xuyên biên giới từ năm 2016 theo quy định của CITES, chính phủ Trung Quốc vẫn cho phép tồn tại thị trường nội địa hợp pháp trong giới hạn “bác sĩ đông y kê đơn cho các bà mẹ đang cho con bú”.
Điều này tạo gánh nặng rất lớn cho công cuộc thực thi pháp luật tại các quốc gia nghèo vốn không đủ trang bị để đối phó. Đã có ít nhất 20 vụ buôn bán vận chuyển trái phép vảy tê tê bị bắt giữ trong hai năm qua. Trung Quốc và Việt Nam là hai điểm đến chính. Tháng trước, 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi từ Nigeria đã bị tịch thu tại Việt Nam. Tháng hai vừa qua, 2 tấn vảy tê tê đã bị tịch thu tại nơi cư trú của một người Trung Quốc tại Nigeria. Tất cả 8 loài tê tê, vốn có số lượng đông đảo, đã bị suy giảm đáng kể, trong đó Tê tê Java và Tê tê vàng là hai loài bị đe dọa nghiêm trọng nhất hiện nay.
Tuần trước, Cộng hòa Dân chủ Congo đã nhận được cảnh báo chính thức từ CITES rằng quốc gia này nên ngừng cấp giấy phép bán tê tê dự trữ cho Trung Quốc.
Bà Shruti Suresh, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cho biết: “Hệ thống hạn ngạch hay bất kỳ hình thức quản lý thương mại hợp pháp nào ở Trung Quốc đã không bảo vệ được loài tê tê, không giúp giảm áp lực lên tê tê trong tự nhiên mà ngược lại, còn kích thích nhu cầu về loài này.”
Đồng nghiệp của bà Shruti cảnh báo rằng nếu Trung Quốc áp dụng cùng một hệ thống cho hổ và tê giác thì đây chính là án tử cho hai loài này.
Đại diện WWF cũng khẳng định việc mở cửa tương tự cho các thị trường cho hổ và tê giác ở Trung Quốc sẽ đem lại những hậu quả khủng khiếp: “Ngay cả khi bị hạn chế trong phạm vi giao dịch đồ cổ và sử dụng trong y học, hoạt động thương mại này sẽ dẫn đến những nhầm lẫn trong cả tiêu dùng và thực thi pháp luật khi phải phân biệt sản phẩm nào là hợp pháp và không hợp pháp, và có khả năng mở rộng thị trường cho các sản phẩm khác của hổ và tê giác”.
Trung Quốc vốn đã không kiên định trong các vấn đề môi trường trong những năm gần đây. Tuy vừa qua quốc gia này có lấy lại được chút hình ảnh thông qua việc ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, song lượng phát thải các-bon của Trung Quốc đang bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt chính quyền Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng gây hại tới rừng Amazon và một số khu vực khác, còn giờ đây quốc gia nhiều tham vọng này lại đang biến mình trở thành thị trường chính cho động vật hoang dã bất hợp pháp.
Bích Ngọc (Theo Theguardian.com)