BVR&MT – Để chuẩn bị cho việc xây dựng chính sách, xác định đối tượng cho công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Kết quả cho thấy, cả nước có hơn 2.338 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1.235 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%).
Khi các chính sách hỗ trợ giảm nghèo không còn “cho không”, địa phương và người nghèo đã có một cách nhìn khác về việc thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Từ đó, thay vì những hộ gia đình, xã, huyện không muốn thoát nghèo, đã có hàng trăm người viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo…
Xin được thoát… nghèo
Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tăng gấp đôi từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016. Sự thay đổi về tỷ lệ hộ nghèo đòi hỏi Chính phủ phải điều chỉnh các chính sách giảm nghèo phù hợp.
Từ năm 2016, Chính phủ đã hạn chế các chính sách giảm nghèo hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách cho vay có hoàn trả, có điều kiện và có thời hạn, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đến nay, các chính sách hỗ trợ nhà ở đã chuyển từ cho không sang cho vay dài hạn, lãi suất thấp. Chính sách vay vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất cũng tăng mức cho vay, linh hoạt thời gian vay cho hộ nghèo, cận nghèo.
Các chính sách giảm nghèo cũng được xác định theo hướng phân loại chính sách tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể như hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng. Chính sách giảm nghèo sẽ tăng quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho cộng đồng để các chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả tốt hơn.
Nhờ đó, tới nay đã có 8 huyện thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn, 8,23% năm 2016 và còn 6,7% đến cuối năm 2017, bình quân giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm bình quân hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cũng giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định, với hệ thống chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo, từ nguồn lực đầu tư của nhà nước và cộng đồng cho giảm nghèo, diện mạo của các huyện, xã thoát nghèo, hộ gia đình thoát nghèo đã có bước thay đổi rõ nét. Ở các huyện, xã thoát nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như đường giao thông đến trung tâm xã, thôn bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn đã được tăng cường đầu tư.
“Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho tổ nhóm người nghèo theo hướng tự quản từng bước được hình thành để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm, tập quán dân cư, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường…,” Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho hay.
Trong thời gian qua, nhiều gương điển hình của các hộ thoát nghèo đã góp phần tạo sự lan tỏa rộng rãi. Điển hình như hộ gia đình chị Phạm Thị Tiết (dân tộc H’re, thuộc thôn 1 xã Nghĩa Sơn huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) từ việc tích cực lao động, sản xuất đã nâng cao thu nhập lên 45 triệu đồng/năm, chị đã 2 lần viết đơn xin thoát nghèo.
Ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, hộ gia đình chị H’Lan là hộ nghèo năm 2015-2016. Năm 2016, chị H’Lan được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với UNDP tổ chức. Nhờ được học hỏi kinh nghiệm, sự hỗ trợ của các chuyên gia cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, hiện giờ thu nhập của gia đình chị đã lên đến 180 triệu đồng/năm. Tới năm 2017, chị đã thoát nghèo.
Theo các chuyên gia, kết quả đạt được nói trên còn hạn chế so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 nhưng phần nào cho thấy tác động của các chính sách, chương trình giảm nghèo, nguồn lực đầu tư của nhà nước trong những năm qua thực sự có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống dân sinh trên địa bàn các huyện, xã nghèo.
Thoát nghèo bền vững
Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, đã có nhiều địa phương có giải pháp phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương… tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.
Điển hình của địa phương thoát nghèo bền vững là huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Để thoát nghèo và đem lại cuộc sống ổn định cho người dân, huyện Ba Bể đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông-lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hang hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao…
Hay câu chuyện thoát nghèo của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng cho thấy không phải cứ huyện miền núi, vùng cao là khó thoát nghèo. Tân Sơn là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng, vì vậy, huyện lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông-lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017, giảm gần 40% so với 10 năm trước.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đến nay đã thực hiện được hơn nửa chặng đường. Trong gần 3 năm qua, cả nước đã có hàng triệu hộ thoát nghèo theo hướng bền vững. Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả giảm nghèo cũng còn có những hạn chế nhất định như tỷ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm, còn nhiều hộ nghèo mới phát sinh, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thực sự được thu hẹp.
“Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước…. Vì vậy, cần tập trung thực hiện tốt các chính sách để hướng tới thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương đang tổ chức phân loại đối tượng hộ nghèo để từ đó xác định nhu cầu hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phân công đảng viên, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo… Ngay cả các hộ vừa thoát nghèo cũng tiếp tục hỗ trợ để thoát nghèo bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, kết quả thoát nghèo bền vững của các hộ nghèo là hiệu quả của chủ trương đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, không tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là hai Chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung nguồn lực từ Trung ương đến địa phương. Tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước đề ra; chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung giải pháp giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước thời hạn, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Hậu Thạch