BVR&MT – Theo kết quả đúc rút từ một nghiên cứu đã được các nhà khoa học tiến hành trong một thời gian dài, thế giới cần giảm mạnh lượng tiêu thụ thịt nhằm tránh gây biến đổi khí hậu một cách nghiêm trọng.
Trong nghiên cứu về tác động đối với môi trường từ việc tiêu thụ thực phẩm của con người, được đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 10/10, các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo cụ thể rằng người phương Tây cần giảm tới 90% lượng thịt mà họ tiêu thụ hàng ngày để bảo vệ Trái Đất – nơi số người sinh sống sẽ lên tới 10 tỷ vào năm 2050.
Theo các nhà khoa học, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trên toàn cầu làm tăng gấp ba lần mối đe dọa đối với bầu khí quyển Trái Đất.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ gia súc, gia cầm; hoạt động chặt phá rừng để lấy diện tích làm đồng cỏ chăn nuôi gia súc khiến khả năng hấp thụ khí carbon giảm đáng kể; nguồn nước đáng kể sử dụng cho chăn nuôi và sản xuất thịt (ước tính để có được 500gr thịt bò cần sử dụng khoảng 7.000 lít nước) – đó là những yếu tố góp phần lớn làm biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cũng ước tính nếu giảm 5% lượng thực phẩm bị bỏ phí có thể giúp giảm tới 16% ảnh hưởng xấu đối với môi trường.
Giới chuyên gia kêu gọi phổ biến tới người dân trên toàn thế giới những kiến thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là liên quan việc tiêu thụ thực phẩm; tiến hành cải cách ngành chăn nuôi, qua đó tìm ra những biện pháp hiệu quả để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.