BVR&MT – Cam Sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích cam Sành của Hà Giang đạt trên 8.387 ha, trong đó có trên 4.500 ha cho thu hoạch và sản lượng ước đạt 48 nghìn tấn.
Cam Sành Hà Giang bước vào giai đoạn chín và thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch của năm sau.Trong vụ cam của niên vụ 2017 – 2018 vừa qua, theo ước tính, tổng thu nhập của các hộ trồng cam tại 3 huyện vùng cam của Hà Giang đạt doanh thu gần 850 tỷ đồng.
Nhận thấy cây cam Sành mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân, UBND tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách nhằm ưu tiên mở rộng diện tích và không ngừng nâng cao giá trị của sản phẩm cam Sành. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai hiệu quả các chương trình như “Chương trình Phục hồi và phát triển cây cam Sành”, Chương trình “Đẩy mạnh phát triển cây cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP”… Nhờ đó, năng suất và giá trị của sản phẩm cam Sành Hà Giang không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2012 (năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển cây cam Sành), năng suất cam của Hà Giang đạt bình quân 52 tạ/ha thì đến nien vụ cam 2017 – 2018, năng suất cam Sành của Hà Giang đã đạt bình quân 100 tạ/ha, cá biệt có nhà vườn tại xã Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang có năng suất cam đạt trên 120 tạ/ha. Bên cạnh đó, uy tín của sản phẩm cam Sành của Hà Giang đối với người tiêu dùng cũng không ngừng được nâng lên. Trong những năm qua, cam Sành Hà Giang đã khẳng định được thương hiệu và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.
Trong những năm vừa qua, vào đầu vụ thu hoạch cam Sành, UBND tỉnh Hà Giang đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND của 3 huyện trồng cam tổ chức các Hội thi sản phẩm cam Sành. Trong các Hội thi, Ban Giám khảo đều phân loại, đánh giá các sản phẩm cam Sành của các hộ tham gia Hội thi và cấp Chứng nhận cho các hộ trồng cam có sản phẩm cam Sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, diện tích cam Sành đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hà Giang đã đạt trên 49% diện tích.
Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị của sản phẩm cam Sành, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo 3 huyện trồng cam và các cơ quan chuyên môn: Tỉnh không khuyến khích người dân mở rộng diện tích cam Sành mà cần tập trung nâng cao giá trị của sản phẩm cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đạt được điều đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền, các hộ trồng cam của 3 huyện vùng cam và các cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: 3 huyện vùng cam cần đăng ký cho các hộ trồng cam Sành tham gia Tổ hợp tác, HTX trồng cam. Trên cơ sở đó sẽ hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm cam Sành, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục nâng cao giá trị của sản phẩm cam Sành. Tiến tới thành lập Hiệp hội cam Sành tại 3 huyện trồng cam. Mặt khác, các huyện trồng cam cũng cần chủ động, linh hoạt nhằm làm nổi bật giá trị, thương hiệu sản phẩm cam Sành của địa phương mình theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phạm Văn Phú