BVR&MT – Miền đất phương nam nơi lững lờ lục bình trôi ấy có những nhịp sống nơi miệt vườn sông nước. Nơi mà những điều bình dị, cái cốt cách dân dã rặt phương Nam mà những con người xứ sở ấy vẫn luôn giữ mãi theo thời gian.
Chiều phương Nam, người lái đò là dân miệt vườn thứ thiệt tăng gia bằng chuyến đò chở khách dọc sông Hậu. Anh bảo người miền Tây sống vốn khảng khái và hiền hòa. Bao năm rồi, sông Hậu vẫn thế. Vẫn mênh mang chập chùng sóng nước với những vạt lục bình lênh đênh trôi dần ra cửa biển. Trên những khúc sông rổn rảng tiếng cười, lấp lánh ánh mắt như nhịp sống hiền hòa nơi ấy cứ níu lại ân tình cho người mang đi khắp nơi xa.
Đời người trên sông Hậu vốn gắn liền với kiếp thương hồ. Nhà trên mặt nước, đời trên mặt nước, khóc cười trên mặt nước, và khi thác xuống có khi cũng về với nước. Thủy chung với nước, với màu phù sa ngàu đỏ mỗi mùa lũ lên và lặng lờ lục bình xuôi dòng. Nhưng ai cũng cảm thấy yên bình.
Chiều phương Nam trên sông Hậu, không phải là khúc sông nơi chợ nổi, nên những chiếc ghe máy chở hàng hóa, nông sản cứ bềnh bồng chậm rãi trôi trên mặt nước. Thi thoảng xen lẫn những thuyền hàng là những chiếc ghe tam bản mỏng như mảnh lá tre dập dềnh với người chèo đò bán cà phê hay nước giải khát, bán bún hay hủ tiếu dạo trên sông. Đó có lẽ là đặc sản của xứ này. Nơi đồng bằng hay phố thị những lúc chiều về lại leng keng tiếng xe mỳ gõ, hủ tiếu gõ, cá viên chiên thì miệt sông nước là những ghe tam bản như thế. Cũng bán đủ thứ đồ ăn, đồ uống, cà phê, card điện thoại… phục vụ khách thương hồ.
Anh lái đò quê An Giang miệt thứ chân chất cười cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường: “Mấy anh ở phố làm gì có thấy ai bán đồ độc chiêu như vầy. Đi trên ghe được ngắm cảnh sông nước thơ mộng, lại được thưởng cái thú ngồi ăn uống giữa dòng nước mênh mông, vậy mới đã thiệt chớ!”.
Mặc dù những người bán đồ ăn thức uống phải chèo xuồng len lỏi giữa những thuyền hàng lớn, nhưng giá cả lại rất đỗi bình dân. Mỗi ly cà phê chỉ 5.000 đồng, các loại nước giải khát bán giá thấp hơn so với các hàng quán trên bờ. Đối với họ, việc buôn bán chủ yếu lấy công làm lời, và hơn hết là tiếng cười và những lời hỏi thăm cuộc sống, gia đình, sức khỏe dành cho nhau.
Hoàng hôn buông xuống dần trên sông Hậu, những chiếc thuyền cũng là nhà của những gia đình thương hồ sống với nhiều thế hệ đã thơm mùi khói lam chiều. Dù là sống trên thuyền hay trên những ngôi nhà nổi, nhưng những gia đình ấy vẫn luôn giữ khí chất người phương Nam. Những chậu cây cảnh, những tiện nghi như tivi, dàn âm thanh, chuồng nuôi súc vật, trên thuyền còn dựng cả xe máy… chẳng khác gì cuộc sống trên đất liền. Chỉ có điều họ nổi lênh theo con nước mỗi mùa.
Chiều mênh mang sông Hậu, văng vẳng trong tiếng ghe máy là tiếng đàn kìm, tiếng hò và lẩn khuất cả những điệu vọng cổ cất lên từ những căn nhà nổi trên sông. Những lời ca hăng say và miệt mài chở nỗi niềm riêng của mình. Tiếng ca như hòa vào sóng nước, quyện vào lòng người, nao nao cả khúc sông quê. Cứ thế, những tiếng ca trên sông Hậu như muốn xua tan đi sự mệt mỏi của nhiều người với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng. Những điệu nhạc trầm buồn hay thánh thót vang vọng làm nhiều người bừng tỉnh. Nhiều người chèo ghe lặng im thả hồn vào tiếng đàn, miên man những âm giai đặc biệt và thưởng thức. Những bản tình ca bolero, những xề, xang, xê, cống, líu… hay rất nhiều bản nhạc như hơi thở quê hương cùng với sóng sông Hậu như tạo nên bản hợp ca da diết mãi không thôi.
Anh lái đò cao hứng cũng cất lên điệu Dạ Cổ Hoài Lang, hình như anh cũng dồn hết tâm sự lòng mình vào tiếng ca. Tiếng ca cứ thổn thức, như miên man ngược về thời xa vắng, về một miền hoài niệm xa lắc của người đã hàng trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng trên miền sông nước hùng vĩ này. Nghe như chính lòng người đang trò chuyện vui vẻ, trầm bổng với mình. Tiếng ca không mượt mà nhưng ấm như khói bếp. Lúc lại nghe như nước đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào lòng thuyền, nghe lang thang hun hút trên sóng nước.
Chia tay những nhịp đời trên sông Hậu cũng là lúc những tia nắng chói chang lướt qua rặng cây phía triền tây, rơi lại vài sợi nắng cuối ngày chiếu loang loáng trên mặt sông lóng lánh ánh bạc. Vào thời điểm ấy, mới cảm thấy được hết nhịp sống và hơi thở của đất phương Nam êm đềm này. Và ở đó, dòng sông Hậu cứ lặng lẽ dõi theo cuộc đời mưu sinh của đời người biết bao năm.
Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường ghi lại một số hình ảnh về “Những nhịp đời trên dòng sông Hậu”:
Tiêu Dao – Sơn Đoàn