BVR&MT – Với đường bờ biển trải dài hơn 3.260km cùng hàng ngàn hòn đảo xa bờ, Việt Nam là nơi cư trú của nhiều loài rùa biển đang bị đe dọa như rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa, đều được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Nhiều địa phương đã hình thành khu bảo tồn biển với các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa tại Ninh Thuận, Quảng Ninh, Quảng Bình… Tuy vậy, với nhiều hoạt động thiết thực, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã trở thành hình mẫu cho công tác bảo tồn rùa biển.Thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển
Côn Đảo là nơi duy nhất ở Việt Nam rùa biển vẫn đến để làm tổ. Đây là địa phương có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất với số lượng rùa biển lên bãi đẻ trứng chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển cả nước.
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển và được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.
Trong thời kỳ sinh sản, rùa biển sẽ quay trở lại tại đúng bãi biển nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng. Chính vì vậy, Vườn Quốc gia Côn Đảo rất coi trọng việc đảm bảo môi trường an toàn để bảo tồn các loài rùa biển trên khắp toàn cầu.
Vườn Quốc gia Côn Đảo đã thực hiện chương trình di chuyển trứng rùa biển từ nơi làm tổ đến môi trường an toàn, ấp nở chúng và thả những cá thể rùa con về đại dương. Trong 5 năm vừa qua, cơ quan chức năng địa phương ở Côn Đảo đã giúp ấp nở trứng và thả hơn 150.000 cá thể rùa con về đại dương mỗi năm.
Để góp phần chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp, Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo để cùng chung tay bảo vệ các cá thể rùa biển cuối cùng ở Việt Nam.
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết: “Ban quản lý Vườn Quốc Gia Côn Đảo đã thực hiện chương trình bảo tồn rùa biển từ năm 1991. Qua gần 30 thực hiện công tác bảo tồn rùa biển, hiện nay có thể nói cũng đã thành công. Có thể xác định được trong những năm gần đây số lượng rùa mẹ về đẻ tại Côn Đảo tăng lên. Cụ thể đã đeo thẻ để theo dõi rùa biển cho gần 3000 cá thể rùa mẹ.
Số rùa con và số tổ nở cũng nhiều với ghi nhận bình quân mỗi năm có khoảng 500 con rùa mẹ về với Côn Đảo để đẻ trứng; đã cứu hộ và thả về biển mỗi năm khoảng trên 100.000 rùa con. Đó là một trong số những thành công bước đầu trong công tác bảo tồn rùa biển. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn rùa biển cũng được nâng lên và có thể nói cư dân của Côn Đảo đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác bảo vệ rùa biển.”
Các cơ quan thực thi pháp luật, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cùng phối hợp, tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo các cơ sở kinh doanh tại địa phương không bày bán, phục vụ bất kỳ sản phẩm, món ăn nào từ rùa biển, đồng thời nỗ lực tuyên truyền, giúp các chủ cơ sở kinh doanh nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rùa biển hiện nay.
Công tác bảo vệ rùa biển đã có những bước tiến đáng khích lệ, tiêu biểu như việc bắt giữ và khởi tố một đối tượng trùm buôn lậu trứng rùa biển với hành vi tàng trữ 116 trứng vích. Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý hình sự vi phạm liên quan đến trứng rùa biển.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Hoạt động nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rùa biển đã và đang được quan tâm chú trọng ở Côn Đảo, nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển. Cộng đồng sẽ trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ loài sinh vật biển này.
Nhằm tăng cường công tác quản lí bảo tồn rùa biển trong khu vực, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra chỉ thị cho toàn bộ cơ quan nắm rõ tình hình rùa biển ở Côn Đảo và góp phần đảm bảo an ninh cho bãi đẻ rùa biển lớn nhất ở Việt Nam.
Tháng 9/2016, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã thành lập một Câu lạc bộ thành viên ở Côn Đảo nhằm tác động tới hoạt động kinh doanh ở địa phương, hợp tác với chính quyền và tổ chức các buổi triển lãm cho cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ rùa biển và trứng rùa biển.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, một chương trình về rùa biển đã triển khai ở Côn Đảo với nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng. Mặc dù đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nhưng không thể phủ nhận vai trò to lớn của hoạt động tuyên truyền, giáo dục đối với việc tăng cường thực thi pháp luật tại Côn Đảo.
Chị Thái Thị Thủy, một người dân Côn Đảo chia sẻ: “Bản thân mình sẽ không tiêu thụ rùa biển cũng như những sản phẩm từ rùa biển. Tiếp nữa mình sẽ tuyên truyền cho mọi người đặc biệt là những người trong gia đình về việc không tiêu thụ rùa biển. Khách du lịch đến Côn Đảo mình cũng sẽ tuyên truyền như vậy và cùng nhau bảo vệ môi trường để rùa biển đến với Côn Đảo ngày càng nhiều hơn.”
Theo Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ-du lịch Nắng Côn Đảo Mai Thị Việt Nguyệt: “Đại diện cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bản thân mình luôn mong muốn các công ty du lịch nên bảo vệ rùa biển vì như thế mình mới có được tiềm năng để khai thác du lịch về sau chứ không chỉ làm về hiện tại, trước mắt, không chỉ thời điểm bây giờ mà còn lâu dài, đời mình, đời con mình, đời cháu mình và tất cả những con người đang sống ở vùng Côn Đảo này.”
Mỗi cá nhân cũng có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ rùa biển bằng cách không mua bán thịt, trứng rùa biển và đồ lưu niệm làm từ chúng, giữ môi trường biển trong lành, thông báo các vi phạm liên quan như săn bắt, nuôi nhốt trái phép, quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ rùa biển tới cơ quan chức năng.