BVR&MT – Đông Nam Á là một điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Thế nhưng, với sức ép dân số 4 tỷ người, khu vực này đang có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới và tỷ lệ khai thác mỏ cao nhất trong số các vùng nhiệt đới, chưa kể đến những công trình thủy điện đang được xây dựng và tình trạng sử dụng động vật hoang dã làm thuốc đang tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Đây là tình trạng chung tại mọi vùng nhiệt đới trên khắp thế giới, nhưng theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Ecosphere, Đông Nam Á “có thể đang hứng chịu mức đe dọa sinh học nghiêm trọng nhất.”
Theo GS. Alice Hughes (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc về cảnh quan sinh thái học và bảo tồn), tác giả của nghiên cứu, trong tất cả những mối đe dọa đối với khu vực, hai nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học tại Đông Nam Á là săn bắn, buôn bán động vật hoang dã và môi trường sống bị thu hẹp.
Môi trường sống bị thu hẹp và suy thoái
Đông Nam Á đã mất đi 14,5% diện tích rừng trong vòng 15 năm qua, và có thể đã mất hơn 50% độ che phủ rừng nguyên sinh. Một số khu vực, bao gồm nhiều diện tích thuộc Indonesia, được dự báo sẽ giảm đến 98% diện tích rừng vào năm 2022.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất rừng là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang sản xuất nông nghiệp. Các đồn điền cao su, dầu cọ, bột giấy và giấy mọc lên trên khắp lãnh thổ Đông Nam Á, cung cấp một lượng hàng hóa đáng kể cho thị trường toàn cầu, đặc biệt là dầu cọ, bột giấy và giấy từ gỗ keo. Tốc độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ không chậm lại trong tương lai gần, thậm chí, tổng diện tích dành cho các đồn điền cao su còn dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 4,3 đến 8,5 triệu ha cho đến năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện của các nước Đông Nam Á trong những năm tới sẽ càng làm thu hẹp môi trường sống. 78 con đập dự kiến xây dựng trên dòng nhánh sông Mê Kông có thể làm suy giảm 20 -70% số lượng các loài cá di cư, đồng thời phá hủy môi trường sống trên cạn và gây ra hạn hán trong khu vực. “Nguy cơ tuyệt chủng của rất nhiều loài sinh vật trên sông Mê Kông sẽ trở thành thảm họa toàn cầu,” GS. Hughes nhấn mạnh.
Trong khi đó, các vùng đất ngập nước ở châu Á – nơi 50 triệu loài chim đầm lầy di cư và sinh sản – đang ngày càng suy giảm, góp thêm một nguy cơ cho khu vực này. Khoảng 80% vùng đất ngập nước khu vực Đông Nam Á đang bị đe dọa do chuyển đổi sang đất nông nghiệp hoặc bị khô hạn. 45% vùng đất ngập nước liên triều đã biến mất, khiến số lượng quần thể một số loài chimm đầm lầy đã giảm đến 79% tính đến nay.
Săn bắt và khai thác đá vôi đe dọa động vật hoang dã
Mối đe dọa nghiêm trọng thứ hai đối với đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á là các hoạt động săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép nhằm lấy thịt thú rừng, sử dụng trong y học cổ truyền, trang trí, hay buôn bán thú cảnh. Nhu cầu tiêu dùng lớn đã làm suy giảm tất cả các loài động vật có vú trên 2kg tại phần lớn các khu rừng không được bảo tồn trong khu vực. Trong khi đó, nhiều loài chim và bò sát đang bị biến thành vật nuôi, bị nhốt trong các vườn thú và công viên thủy sinh.
Nhiều hệ sinh thái đang bị đe dọa nhất Đông Nam Á là nơi sinh sống của nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Ví dụ, các địa hình karst, nơi đá vôi bị xói mòn sinh ra các chỏm núi, cột trụ, hố sụt và nhiều dạng địa hình khác, là môi trường sống đặc biệt của nhiều loài đặc hữu trong khu vực.
Thế nhưng, mối đe dọa từ các hoạt động sản xuất xi măng tới những khu vực đặc hữu này không hề có dấu hiệu giảm đi mà còn tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Ước tính, Đông Nam Á có khoảng 800.000 km2 diện tích núi đá vôi. Ba trong số năm nước xuất khẩu đá vôi nhiều nhất thế giới bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Malaysia, chiếm gần 20% sản lượng xuất khẩu xi măng toàn cầu.
Theo GS. Hughes, nguyên nhân là do núi đá vôi chưa được đưa vào danh sách các khu vực cần được bảo vệ, trong khi phần lớn các loài cư trú trong vùng núi đá vôi không thể di cư sang môi sinh khác, khiến không biết bao nhiêu loài bị tuyệt chủng hàng năm do hoạt động khai thác đá.
Các mối đe dọa cần được ngăn chặn và đẩy lùi
Còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực Đông Nam Á như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, các loài xâm lấn, ô nhiễm, và xu hướng đô thị hóa, nhưng trong ngắn hạn, không có nguyên nhân nào có mức độ đe dọa cũng như ảnh hưởng lớn hơn tới một số lượng lớn các loài như suy giảm môi trường sống và săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, theo Hughes.
Điều này càng trở nên phức tạp hơn khi trên thực tế, các nguyên nhân không diễn ra độc lập mà có sự tương tác lẫn nhau. Viễn cảnh đối với bất kỳ loài hoặc môi trường sống nào đều phản ánh sự tương tác phức tạp của nhiều vấn đề. Đó là lý do vì sao cần hiểu rõ từng mối đe dọa trong mỗi bối cảnh cụ thể trước khi đưa ra các giải pháp.
Vì vậy, GS. Hughes khuyến nghị cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra các ưu tiên bảo tồn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh môi trường sống suy thoái nhanh chóng như hiện nay. Thêm vào đó, cần đảm bảo thực thi và giám sát tốt hơn các quy định hiện hành nhằm bảo vệ môi trường sống và ngăn chặn săn bắn các loài bị đe dọa. Cuối cùng, cần nỗ lực hơn nữa để đưa vào áp dụng trong thực tiễn các công nghệ mới giúp giám sát môi trường sống và động vật hoang dã, với độ phân giải ngày càng chất lượng.
“Đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á chưa bao giờ bị đe dọa đến thế… Nếu không lập tức ngăn chặn và đẩy lùi những mối đe dọa, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự tuyệt chủng của một số lượng lớn các loài trong những thập kỷ tới,” GS Hughes nhấn mạnh.
Phương Thúy (Theo Mongabay.com)