BVR&MT – Chỉ trong chưa đầy một tháng, kể từ khi thủy điện Hòa Bình tiến hành xả đáy, hàng chục chủ lồng cá bè thuộc các xã trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) lại tiếp tục phải hứng chịu thiệt hại.
Cá chết sạch lồng dẫn đến nhiều chủ lồng cá chán nản kéo lưới lên bỏ lồng không, chưa biết đến bao giờ phục hồi được nghề “kiếm cơm” đã theo đuổi nhiều năm nay.
Có mặt tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, ông Dương Tiến Dũng, khu 5 cho hay, bắt đầu từ ngày 11/8, khi thủy điện Hòa Bình tiến hành xả đáy cửa số 3, thì cá ở nhiều lồng trên địa bàn bắt đầu chết trắng, chủ yếu là cá rô phi, diêu hồng và chép.
Cá lăng, chết rải rác từ ngày 7/8 khi xả cửa số 2, cho đến những ngày gần đây, cá tiếp tục chết rất nhiều. Riêng đợt 3 thiệt hại do cá chết khoảng hơn 2 tấn cá các loại.
Cá chết rộ từ ngày 11/8 đến 15/8, đến nay tuy giảm dần, nhưng có những lồng, cũng bị thiệt hại tới 10%.
Ông Đặng Văn Luyện, khu 5 xã Xuân Lộc cho biết, chưa năm nào, người nuôi cá lồng thiệt hại lớn như năm nay. “Của đau, con xót, nhưng không biết làm thế nào khi hằng ngày, tài sản, miếng cơm của mình cứ chết dần trong các lồng mà không cách gì cứu được. Đến ngày 17/8 cá chết nhiều quá, ước tính thiệt hại lên đến hàng tấn cá thương phẩm và các loại cá giống,” ông Đặng Văn Luyện nói.
Theo những người nuôi cá nơi đây, hiện tượng cá chủ yếu bị phồng da, nổ lỗ chỗ, có nhiều nốt màu hồng, sau đó ngáp nổi và chết. Cá rô phi giống thì mắt lồi, nổ mắt và chết.
Dọc theo tuyến sông Đà từ xã Xuân Lộc lên đến Phượng Mao, huyện Thanh Thủy hiện có 321 lồng cá, người dân nuôi thả chủ yếu là các loại cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm.
Ông Thiều Minh Thế, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Thanh Thủy, cho biết hợp tác xã hiện có hơn 340 lồng cá của 30 hộ dân; trong đó, riêng xã Xuân Lộc có gần 150 lồng. Từ ngày 11/8 đến nay, nhiều chủ lồng như bản thân nhà ông Thế hơn 40 lồng, Đặng Văn Luyện 22 lồng, Vũ Quốc Trung 25 lồng… bị thiệt hại nặng nề, có lồng, tỷ lệ cá chết lên tới 80%.
Ông Bùi Ngọc Thanh, ở khu 5, xã Xuân Lộc, chia sẻ gia đình vay mượn làm được 7 lồng, sau hai đợt xả lũ, cơ bản cá đã hết sạch, hiện có 3 lồng đã kéo lưới bọc lồng lên treo.
“Giờ cả gốc, lãi ngân hàng, tiền cám hàng trăm triệu chưa biết lấy nguồn đâu mà trả. Lồng cá thì đã đầu tư cả trăm triệu, giờ bỏ cũng không biết làm gì, nhưng nếu thủy điện cứ xả cửa đáy như một, hai năm trở lại đây thì hàng trăm hộ nuôi cá lồng phải bỏ cuộc, ôm theo gánh nặng nợ nần…” Ông Thanh cho biết.
Như vậy, chưa đầy một tháng nay, kể từ khi thủy điện Hòa Bình xã lũ, thì trên địa bàn huyện Thanh Thủy, hàng trăm lồng cá đã bị thiệt hại nặng nề, có nhà mất trắng không có cơ hội phục hồi nghề nuôi cá lồng trong thời gian tới….
Người nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thanh Thủy và sông Đà hiện đang rất cần những chuyên gia thủy sản chủ động, tích cực vào cuộc, tư vấn kỹ thuật cứu cá và cần sự hỗ tích cực về vốn, giống, kinh nghiệm phòng chống cá chết khi xả lũ của các cơ quan liên quan và địa phương để sớm phục hồi nghề nuôi cá lồng trên sống Đà trong thời gian tới để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.