BVR&MT – Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có diện tích đất tự nhiên là 791.488,9 ha, trong đó diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 563.139,3 ha, chiếm gần 71,2% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Trong hơn 8 năm vừa qua (từ năm 2010 – tháng 6./2018), rừng của Hà Giang đã được đầu tư từ các chương trình, dự án của Trung ương như Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình phục hồi và phát triển rừng tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá….Nhờ đó, độ che phủ của rừng không ngừng được nâng lên, trữ lượng lâm sản ngày càng lớn. Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng của Hà Giang còn khá lớn, vào khoảng trên 58.230 ha. Vì vậy, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích hộ, nhóm hộ và các doanh nghiệp đầu tư vào công tác phát triển trồng rừng.
Trong hơn 8 năm (từ năm 2010 – tháng 6/2018), toàn tỉnh đã trồng được trên 71.279,6 ha rừng, đạt 95,8% so với kế hoạch đề ra. Độ che phủ của rừng tăng từ 51,16% vào cuối năm 2009 lên 55,57% vào cuối năm 2017. Tổng kinh phí được hỗ trợ cho công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng là 136,084 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện nay, 100% các thôn bản có rừng của Hà Giang đã xây dựng xong các Qui ước và Hương ước bảo vệ rừng.
Cũng trong hơn 8 năm vừa qua, các lực lượng chức năng của Hà Giang đã phát hiện được 2.698 vụ vi phạm Lâm luật; trong đó đã xử lý 2.540 vụ, nộp ngân sách Nhà nước trên 18,3 tỷ đồng. Đã thực hiện được 979.729 lượt bảo vệ rừng với 50.770 hộ và nhóm hộ tham gia; khoanh nuôi bảo vệ được 166.894 lượt ha rừng; cấp phát hỗ trợ cho người dân được trên 9.723 tấn gạo cho trên 60 nghìn hộ để phục vụ cho công tác trồng và bảo vệ rừng. Số tiền quỹ được ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2013 đến thời điểtm cuối năm 2017 đạt trên 160,6 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 128,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua hơn 8 năm triển khai công tác trồng rừng của Hà Giang vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Một số huyện triển khai công tác trồng rừng chưa đạt so với kế hoạch được giao; việc đôn đốc một số công ty khai thác khoáng sản trồng rừng thay thế chưa đạt yêu cầu, chất lượng trồng rừng thay thế kém; một số công ty được giao đất để trồng rừng nhưng không triển khai thực hiện; mốc giới của 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) đã được qui hoạch tại một số vùng chưa được xác định cụ thể; một số nhà máy thủy điện chậm nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác tuyên truyền, phổ biến về trồng và bảo vệ rừng hiệu quả chưa cao.
Nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác trồng rừng những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo các huyện rà soát lại kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 nhằm phù hợp với kế hoạch giao đất và sử dụng đất lâm nghiệp; qui hoạch lại 3 loại rừng của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về trồng, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao chất lượng của cây giống trong trồng rừng và đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ rừng sau khi trồng….
CTV Văn Phú