BVR&MT – Nhằm góp phần thúc đẩy hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2011-2016 và giai đoạn 2016-2020 (Chương trình). Đến nay, sau hơn bảy năm triển khai nhiều đề tài, dự án KHCN, các mô hình sản xuất mới đã được ứng dụng vào quá trình xây dựng NTM, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5-1-2011, và sau đó được bổ sung, sửa đổi bằng Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12-1-2017 cho giai đoạn 2016 – 2020; từ năm 2011 đến cuối năm 2017, đã tạo ra 240 sản phẩm mới, chuyển giao ứng dụng 74 sản phẩm, 121 quy trình công nghệ, với hơn 1.700 máy móc, trang thiết bị; xây dựng được Bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ thuộc bảy lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, xử lý môi trường). Đồng thời, triển khai được 185 mô hình các loại, trong đó có 147 mô hình sản xuất của các dự án… Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng từ 30 đến 35% đối với rau màu, 10 đến 15% đối với lúa, thu nhập của người dân tham gia dự án tăng hơn 25%; góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp từ 133 triệu đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, có nhiều mô hình về liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, có tính lan tỏa rộng, hiệu quả cao, như mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, quản lý trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) triển khai đến nay được ba năm. Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang cho biết: “HTX chúng tôi được Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bàn giao hai dây chuyền xử lý hoa quả, trong đó có dây chuyền làm sạch vải thiều để xuất khẩu. Đến nay, dây chuyền hoạt động rất tốt, chúng tôi đã thành công trong xử lý vải, xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, Mỹ và vụ tới tiếp tục xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a, Trung Đông”. Hay mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè xanh chất lượng cao ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang với kết quả tăng năng suất chè gần 30%, tăng giá trị sản phẩm chè chế biến từ 20 đến 26,2%, tăng thu nhập bình quân trên một héc-ta gần 30%. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sắn ở vùng đồng bào dân tộc miền núi đạt năng suất cao hơn so với mô hình canh tác cũ từ 15 đến 20 tấn/ha, hiệu quả thu nhập bình quân đạt từ 52,5 đến 60 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang rau, củ, quả theo chuỗi giá trị ở tỉnh Ninh Bình có giá trị kinh tế đạt 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm so với 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm khi sản xuất chuyên lúa trước đây. Mô hình chuyển đổi cây trồng từ ngô, lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, đạt 133 triệu đồng/ha/năm, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân miền núi tham gia dự án từ 35 đến 40 triệu đồng/người/năm. Mô hình liên kết sản xuất rau an toàn các loại ở tỉnh Hải Dương cho thu nhập 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 30%. Mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh kéo dài chu kỳ kinh doanh cây cà-phê đã 30 năm tuổi ở tỉnh Kon Tum cho năng suất, chất lượng cà-phê cao hơn, bình quân đạt hơn 20 kg quả tươi/cây, quy ra 4,5 đến 5 tấn nhân hạt/ha, đạt giá trị 180 đến 200 triệu đồng/ha, giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và tăng thu nhập 30 đến 40%…
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, người dân đã tự đầu tư mở rộng quy mô diện tích của nhiều mô hình gấp 5 đến 10 lần so với ban đầu; địa bàn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ một vài xã của mỗi dự án được chuyển giao ra nhiều địa bàn trong huyện, tỉnh. Từ khoảng 5.000 nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được trực tiếp hưởng lợi khi tham gia các đề tài, dự án, đến nay số lượng hộ nông dân và số xã tham gia nhân rộng các mô hình đã tăng lên nhiều lần, có nơi từ một xã mở ra toàn huyện, có nơi từ một tỉnh nhân ra nhiều tỉnh trong vùng. Nguồn kinh phí do thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết và nông dân tự đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, chương trình vẫn còn hạn chế, như một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng NTM. Một số vấn đề quan trọng trong khung nội dung chương trình, nhưng chưa có hoặc có ít nhiệm vụ được đề xuất và tổ chức nghiên cứu. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, cần tiếp tục triển khai Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề tài, dự án đã được phê duyệt năm 2018 và tiếp tục thành lập các hội đồng tư vấn để lựa chọn các nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp thiết để thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, ưu tiên những nhiệm vụ theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương và do các địa phương đề xuất. Mặt khác, tập trung hỗ trợ các ưu tiên lớn của chương trình xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, bền vững, tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hỗ trợ chuyển đổi hiệu quả các HTX; triển khai tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; đồng thời thúc đẩy xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM ở các vùng đặc thù.
Để đạt mục tiêu đề ra, GS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Cần có cơ chế lồng ghép huy động hiệu quả các nguồn lực của ngành KHCN, các Chương trình KHCN các cấp trong cả nước phục vụ xây dựng NTM. Đồng thời, có cơ chế lồng ghép từ các dự án, chương trình hợp tác quốc tế khác để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình, góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập và phục vụ trực tiếp cho quá trình xây dựng NTM ở cơ sở, nhất là triển khai các dự án xây dựng mô hình sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, cả nước có 3.370 xã và 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 301 xã và 10 huyện so cuối năm 2017; bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã và chỉ còn 118 xã đạt dưới năm tiêu chí. Trong đó, bốn tỉnh có hơn 10 xã chỉ đạt dưới năm tiêu chí, gồm: Điện Biên (26 xã), Quảng Ngãi (18 xã), Cao Bằng (17 xã) và Lạng Sơn (14 xã). (Nguồn: Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương) |