BVR&MT – Hôm qua (9/7) tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, với mục tiêu phấn đấu cả năm đạt giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6%-6,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tỉ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Hiện đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, các thị trường chủ yếu là: Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hướng đến mục tiêu cả năm xuất khẩu 9 tỉ USD.
Chiếm hơn 1/5 tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, xuất khẩu lâm sản 6 tháng tháng đầu năm gặt hái nhiều thành công với giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 4,3 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời là ngành xuất siêu cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực với giá trị 3,2 tỉ USD. Kết quả này là nhờ ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và bám sát trong tổ chức thực hiện, bên cạnh đó là sự tham gia mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản.
Trong giai đoạn từ 2011 – 2017, sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng hơn 3,3 lần, từ 5,16 triệu mét khối lên 18 triệu mét khối, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến cần lưu ý sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Về lâu dài tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Đồng thời xây dựng các khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu.
“Thị trường các nước biến động thường xuyên, nguồn nguyên liệu đối với các doanh nghiệp hiện nay chưa phân loại được những vùng rủi ro để tránh nhập khẩu chỉ nhập khẩu ở những quốc gia ít rủi ro. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa nắm được các quy định của những nước mà mình xuất khẩu. Về phía Tổng cục, chúng tôi sẽ đồng hành cùng với các doanh nghiệp để cần tháo gỡ những khó khăn này” ông Trị nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp) nhìn nhận: “Muốn sản xuất tốt, quan trọng phải căn cứ vào tín hiệu dự báo từ thị trường, ở đây là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc khơi thông, mở cửa thị trường. So sánh xuất khẩu của ngành thì lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị xuất siêu. Điều này thể hiện việc chúng ta đã chủ động mở cửa thị trường và thực hiện tốt các cam kết hội nhập nhất là Hiệp định về quản trị thương mại gỗ hợp pháp”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn biểu dương các thành tích ngành lâm nghiệp đã đạt được trong thời gian qua.
Cùng với việc lưu ý sắp xếp lại bộ máy cán bộ tinh gọn hiệu quả, việc định hướng phát triển từ giờ đến cuối năm được Thứ trưởng đặc biệt lưu ý: “Hiện nay ngành nông nghiệp nói chung đang đi theo hướng phát triển 4.0, vậy lĩnh vực lâm nghiệp cũng cần chuyển động kịp thời. Chúng ta đã có một nguồn dữ liệu thông tin cơ sở về rừng rất quý, cần giữ và phát triển, cập nhật lượng thông tin này để sử dụng trong việc bảo vệ phát triển rừng”.