BVR&MT – Nhân Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 2329/6, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề liên quan đến Quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Tại sao việc Quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn để ứng phó với biến đổi khí hậu lại là một vấn đề được quan tâm tại hội nghị lần này thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Anh Cường: Dưới góc độ là người quản lý ngành và lĩnh vực về vấn đề này, tôi cho rằng, Việt Nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Biến đổi khí hậu có những tác động đến nhiều lĩnh vực, các địa phương và các cộng đồng khác nhau của nước ta, trong đó có đa dạng sinh học nói chung và các khu bảo tồn nói riêng.
Có thể phân tích tác động của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học dựa trên các biểu hiện của biến đổi khí hậu gây ra tác động gồm nước biển dâng, nhiệt độ tăng, chu kỳ sinh khí hậu thay đổi, thiên tai (lũ lụt, lũ quét, hạn hán, sạt lở) xảy ra với cường độ và tần xuất cao hơn.
Nhiệt độ tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần xã sinh vật của nhiều hệ sinh thái; các loài nhiệt đới sẽ giảm đi trong các hệ sinh thái ven biển và có xu hướng chuyển dịch lên các đới và vĩ độ cao hơn trong các hệ sinh thái trên cạn, các loài ôn đới sẽ giảm đi, cấu trúc chuỗi và lưới thức ăn cũng thay đổi.
Nếu nước biển dâng cao 1m, dự đoán sẽ có 78 (27%) sinh cảnh tự nhiên quan trọng, 46 khu bảo tồn (33%), 9 khu vực có đa dạng sinh học quan trọng (23%), 23 khu có đa dạng sinh học quan trọng khác (21%) bị tác động nghiêm trọng.
Khu bảo tồn thiên nhiên là khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để bảo tồn đa dạng sinh học theo Luật Đa dạng sinh học năm 2008.
Công ước Đa dạng sinh học và Công ước biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên đều công nhận các khu bảo tồn thiên nhiên là công cụ quyết định cho phát triển bền vững và chống lại biến đổi khí hậu.
Ngoài việc bảo tồn các loài và hệ sinh thái, các khu bảo tồn cung cấp các dịch vụ sinh thái, xã hội và kinh tế thiết yếu như: nước sạch, trữ lượng carbon, hồ chứa di truyền, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đất và bảo tồn di sản văn hóa của loài người.
Các khu vực được bảo vệ (khu bảo tồn) là những công cụ quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu được quản lý tốt, các mạng lưới khu bảo tồn thiên nhiên có thể cung cấp khả năng phục hồi cho các tổn thương do biến đổi khí hậu và các kết nối sinh cảnh cho sự di chuyển của thực vật và động vật.
– Vậy thực trạng quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay ra sao thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Anh Cường: Chúng ta đã có một hệ thống các khu bảo tồn phân bố trên phạm vi toàn quốc với khoảng 170 khu bảo tồn, tổng diện tích trên 2 triệu ha.
Theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐTTg ngày 8/1/2014 thì đến năm 2030 sẽ thành lập thêm 20 khu bảo tồn mới, nâng diện tích các khu bảo tồn lên đạt khoảng 3 triệu ha.
Chính phủ và nhân dân ngày càng nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của các khu bảo tồn đối với phát triển bền vững cũng như thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Việc lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch liên quan đã được quy định trong các văn bản, nghị quyết của Chính phủ về biến đổi khí hậu.
Trước đây, các khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch tại các luật chuyên ngành (quy hoạch khu bảo tồn đất ngập nước nội địa, bảo tồn biển theo Luật Thủy sản, quy hoạch khu bảo tồn rừng đặc dụng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng).
Năm 2008, Luật Đa dạng sinh học quy định một trong những nội dung chính của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học là quy hoạch thống nhất hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên.
Hầu hết các khu bảo tồn đã được quy hoạch và thành lập chưa tính đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc quy hoạch các khu bảo tồn nhất thiết phải tính đến yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học và khả năng ứng phó, giảm thiểu biến đổi khí hậu của khu bảo tồn.
Năm 2017, Luật Quy hoạch mới ban hành đưa ra quy định về việc quy hoạch hệ thống khu bảo tồn trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.
Các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh đều có quy định về các việc tích hợp các hợp phần liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có hệ thống khu bảo tồn và tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Quy hoạch không gian không chỉ quy định mục đích sử dụng trên một không gian nhất định cho một đối tượng tại các giai đoạn quy hoạch nhất định mà sẽ giải quyết những căng thẳng và mâu thuẫn giữa các chính sách ngành.
Phạm vi quy hoạch không gian có khác biệt rất lớn giữa các nước nhưng hầu hết có một số điểm tương đồng nhất định như: quy hoạch không gian có liên quan tới việc xác định mục tiêu dài hạn hoặc trung hạn và chiến lược cho vùng lãnh thổ, liên quan đến việc sử dụng đất và phát triển các yếu tố tự nhiên và được phối hợp với các chính sách ngành.
Đối với Việt Nam, sẽ tính đến các chính sách về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
– Theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để hướng tới quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam?
Tiến sỹ Phạm Anh Cường: Muốn thực hiện tốt công tác quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn cần tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của biến đổi khí hậu tới các khu bảo tồn cũng như khả năng sử dụng hệ thống các khu bảo tồn như là các biện pháp giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Đồng thời, thống nhất quy hoạch hệ thống khu bảo tồn; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các quy hoạch khu bảo tồn đã được phê duyệt theo hướng lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu; rà soát đánh giá các quy hoạch trước đây nhằm điều chỉnh theo hướng quy hoạch không gian phục vụ mục tiêu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, xây dựng kỹ thuật quy hoạch không gian khu bảo tồn phù hợp với điều kiện nước ta, tiếp thu các tri thức quốc tế; thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn nhằm mở rộng sinh cảnh liên kết để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các cấp, ngành, cộng đồng cần nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học nói chung và khu bảo tồn nói riêng đối với biến đổi khí hậu; vai trò của công cụ quản lý đa dạng sinh học, đặc biệt là công cụ quy hoạch không gian đối với phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
– Trân trọng cảm ơn tiến sỹ.