BVR&MT – Tình trạng ô nhiễm môi trường trên các sông Đáy, Nhuệ, Đồng Nai; tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng đời sống người dân; việc xử lý rác thải sinh hoạt, các chất xả thải tại nhà máy công nghiệp… là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại hội trường Quốc hội.
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 4/6 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Là “tư lệnh” ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời về các vấn đề như: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Kiểm soát chặt nguồn thải, quản lý khai thác cát bờ sông chống sạt lở
Mở đầu phần chất vấn đối với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đặt câu hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra trên các sông như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Đồng Nai và trách nhiệm của Bộ về vấn đề này?
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông là một tình trạng cần khắc phục. Về phía Bộ, đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay: “Hiện nay, chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp… Về giải pháp và trách nhiệm, Bộ trưởng nêu rõ, trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này…
Trả lời ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) về vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân sạt lở rất nhiều trong đó có hiện tượng quản lý khai thác cát lỏng lẻo, cát tặc đang hoành hành. Vấn đề tiếp nữa công trình thủy lợi ở nơi có dòng chảy lớn để điều khiển dòng chảy. “Về giải pháp, chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành quy định quản lý khai thác cát bờ sông, trách nhiệm địa phương với việc khai thác cát. Ngoài ra, chúng ta khoanh vùng bảo vệ bờ sông, di dân tránh xa vùng xảy ra sự cố”, Bộ trưởng nói.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Lê Công Đỉnh tiếp tục giơ bảng tranh luận liên quan đến tình trạng sạt lở ở ĐBSCL. ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp phối hợp với cộng đồng quốc tế và giải quyết việc bố trí nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện gần như các tổ chức quốc tế đều rất quan tâm đến câu chuyện đa dạng của sông Mekong. Về bố trí vốn chống biến đổi khí hậu, Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm và hứa sẽ quan tâm đặc biệt vấn đề này trong thời gian sắp tới.
Năm 2030, sẽ có nhà máy phát điện xử lý rác thải
Cho rằng đất và nước là những yếu tố thiết yếu với cuộc sống của con người, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) đặt câu hỏi cử tri đã từng đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ để xây dựng quy trình công nghệ xử lý rác. Vậy đến nay, Bộ TN&MT và Bộ KH&CN đã thống nhất được vấn đề này để chuyển giao, khuyến cáo mô hình cho người dân chưa?
Về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, Bộ trưởng xác định đây là vấn đề bức xúc hiện nay. Vấn đề này không chỉ có Bộ TN&MT mà còn có Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm vấn đề quy hoạch, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm vấn đề xác định công nghệ, nhất là công nghệ xử lý rác.
Bộ trưởng khẳng định nguyên tắc là kiểm soát rác thải nhựa, coi rác thải là nguồn tài nguyên để tiến tới có những nhà máy năng lượng điện từ rác thải hoặc biến rác thải thành phân hữu cơ. Theo tính toán của Bộ TN&MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ KH&CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.
Chất vấn về vấn đề xử lý việc xả thải, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị, Bộ trưởng đưa ra giải pháp xử lý tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn…
Bộ trưởng cho biết, các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối; trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp…
Bộ trưởng cho hay, tháng 5 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện trong đảm bảo môi trường.
Thừa nhận tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố đang là vấn đề lớn, Bộ trưởng cho biết Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch…