BVR&MT – Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Mỗi hành động nhỏ cũng có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.
Đây cũng chính là mục tiêu của Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa mà 22 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế ở Hà Nội ký kết ngày 4/6. Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với con người, động vật và môi trường. Chiến dịch này do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi – ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng: “Phát triển thiếu bền vững là nguyên nhân gây ra suy thoái và ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu. Đây là một trong những thách thức vô cùng to lớn với toàn nhân loại, đe dọa sự sống trên Trái Đất”.
Theo Thứ trưởng, chỉ tính riêng ô nhiễm môi trường do nhựa và nilon gây ra, hàng năm môi trường tự nhiên, đặc biệt các vùng biển, đại dương trên toàn cầu phải nhận hàng triệu tấn phế phẩm từ nhựa. Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ vui mừng khi biết các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có sáng kiến về việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử về giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Đây là hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn.
Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm chất thải nhựa. Các tổ chức tham gia ký kết nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.
Phát biểu với tư cách là đơn vị khởi xướng, bà King Kitnikone – Đại sứ Canada tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi vinh dự được làm việc tại Việt Nam và chia sẻ trách nhiệm chung nhằm giảm chất thải nhựa của chúng tôi tại đất nước xinh đẹp này, cũng như bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai”. Bà cho rằng, nếu không hành động kịp thời, trong một tương lai không xa, lượng rác thải xả vào môi trường còn nhiều hơn cả lượng cá sinh sống dưới đại dương.
Nhằm ghi nhận nỗ lực của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong việc khởi xướng sáng kiến cam kết thực hiện bộ quy tắc ứng xử về phòng chống ô nhiễm chất thải nhựa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng: “Đây được coi là sự tiên phong, là cam kết mạnh mẽ từ phía các tổ chức quốc tế và hi vọng sẽ được lan tỏa tới từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, để cùng chung tay hành động vì một thành phố khỏe mạnh và đáng sống, vì một Việt Nam xanh tươi và hòa bình.
Ông khẳng định, thành phố sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức triển khai hiệu quả bộ quy tắc ứng xử chống ô nhiễm chất thải nhựa. Các cơ quan chuyên môn của thành phố sẽ luôn sát cánh cùng các tổ chức, triển khai các dự án, chương trình hành động, xây dựng các hành lang pháp lý để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, trong đó có chất thải nhựa.
Trong những tháng vừa qua, 22 đại sứ quán và các đối tác quốc tế đã tích cực tham gia chiến dịch này với nhiều hoạt động cùng diễn ra. Một trong những hoạt động quan trọng khác của chiến dịch là các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo của Việt Nam để thảo luận các lựa chọn chính sách sẽ có ảnh hưởng tích cực lâu dài nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Ngoài ra, chiến dịch trực tuyến Giảm thiểu rác thải nhựa đã được phát động trên các nền tảng truyền thông xã hội của các tổ chức tham gia ký Quy tắc ứng xử, nhằm kêu gọi hành động chung của cộng đồng giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày và tại nơi làm việc.
Mỗi năm 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, một nửa trong số đó được sử dụng để tạo ra các sản phẩm sử dụng một lần (ví dụ: túi mua hàng, chai, cốc và ống hút); cứ mỗi phút có 1 triệu túi ni lông được sử dụng.
Ước tính mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào các đại dương trên toàn thế giới; 55% -60% lượng rác thải này đến từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia trên thế giới đóng góp nhiều nhất vào lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương.