BVR&MT – Ông Đặng Đình Quyển, người đã gắn bó và trông giữ vườn cò ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang suốt hơn 30 năm qua, chia sẻ đàn cò, các loài chim với số lượng hàng chục nghìn con trước đây, nay đã giảm hơn 2/3; một số loài hiếm như cốc, vạc, bồ nông, sếu đã hoàn toàn biến mất.
Vườn cò Đào Mỹ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 30km. Với diện tích hơn 3ha được che phủ chủ yếu bởi bạch đàn lâu năm, đây là nơi sinh sống của quần thể cò tự nhiên quý giá.
Đàn cò lần đầu tiên xuất hiện ở Đào Mỹ vào khoảng 30 năm trước. Nhờ môi trường phù hợp với tập tính sinh sống và nguồn thức ăn phong phú, đàn cò ở đây đã không ngừng sinh sôi, phát triển.
Năm 2017, vườn cò Đào Mỹ có số lượng cò và các loài chim lên tới hơn 15.000 con. Vì thế, địa điểm này dần trở thành nơi thu hút khách tham quan, địa chỉ nghiên cứu sinh học có giá trị.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, số lượng đàn cò ở vườn cò Đào Mỹ giảm rõ rệt. Theo ông Đặng Đình Quyển, một giáo viên tại địa phương, người đã hiến đất, hiến cây cho đàn cò sinh sống và dành toàn bộ thời gian trông giữ đàn cò, đến cuối tháng 5/2018, quần thể cò tại đây chỉ còn khoảng 3.000 con.
Nguyên nhân là do tình trạng đốt pháo trái phép tại khu vực này dịp Tết, nhiều tiếng nổ làm đàn cò hoảng sợ bay đi. Bên cạnh đó, rừng bạch đàn đã xơ xác sau nhiều năm cò đậu.
Phân cò và lớp lá rụng quá dày làm môi trường sống của đàn cò bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mùi phân tanh nồng khiến đàn cò phải di chuyển ra vùng đệm xung quanh. Vùng này là nơi người dân trồng cây ăn quả, không có sự che chắn khiến cò rơi vào tầm ngắm của thợ săn…
Ông Quyển đã trồng dứa dại và một số loại cây có gai, chính quyền huyện Lạng Giang đã có lệnh cấm, cắm nhiều biển “cấm săn bắn chim thú” xung quanh khu vực này, nhưng những nỗ lực này không mấy phát huy hiệu quả.
Là người gắn bó lâu năm, hiểu tập tính đàn cò, ông Đặng Đình Quyển cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, trong đó cấm tuyệt đối việc đốt pháo, săn bắn chim thú trái phép, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm. Giải pháp lâu dài để cải thiện môi trường sinh sống của đàn cò là trồng cây luân phiên, bắt đầu từ việc trồng cây ở khu vực ngoài để cò di chuyển ra làm tổ, sau đó trồng thay thế ở những vị trí cây đã chết trong vườn.
Về phía chính quyền địa phương, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đào Mỹ cho biết: Thời gian tới, xã đặt mục tiêu xây dựng vườn cò Đào Mỹ thành khu du lịch sinh thái, vừa bảo tồn được đàn cò vừa góp phần khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động bảo tồn vườn cò. Lực lượng công an cũng phối hợp tuần tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm…