BVR&MT – Sông Citarum ở Indonesia được mệnh danh là con sông ô nhiễm nhất thế giới, thậm chí gần đây tình trạng tồi tệ đến mức lực lượng quân đội cũng được huy động để loại bỏ rác thải nhựa và ngăn chặn tình trạng xả rác ra sông. Tuy nhiên, đây chỉ là mảnh ghép vô cùng nhỏ bé trong bức tranh ô nhiễm nghiêm trọng ở châu Á hiện nay.
Tổng lượng rác thải nhựa của 5 nước Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đổ vào các đại dương lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng gộp, theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức bảo vệ đại dương Hoa Kỳ (Ocean Conservancy). Dù vậy, đây không chỉ là vấn đề của riêng châu Á mà là thách thức chung của toàn cầu, thậm chí với cả các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ – nơi xả thải 33,6 triệu tấn nhựa nhưng chỉ 9,5% trong số này được tái chế.
Rác thải nhựa không chỉ giết chết sinh vật biển và khiến các loài chim biển ngạt thở khi ăn phải mà chúng còn tồn tại trong chính các loài hải sản chúng ta ăn hàng ngày. Sẽ phải mất nhiều thập kỷ để giải quyết vấn đề, tuy nhiên không nên quá vô vọng bởi có nhiều điều chúng ta có thể làm ngay lập tức, nhất là việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ nhựa và thay thế chúng bằng các vật dụng thân thiện hơn.
Chọn nước đã lọc thay vì đóng chai
Đây có lẽ là thói quen khó bỏ nhất đối với người tiêu dùng châu Á, đặc biệt là Hồng Kông – nơi tiêu thụ 5,2 triệu chai nước nhựa mỗi ngày. Thực tế này đã thôi thúc Công ty Bluewater, Thụy Điển áp dụng công nghệ thẩm thấu ngược khi lọc nước nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nước so với công nghệ RO truyền thống và góp phần giảm thiểu lượng chai nhựa tại các quốc gia. Trong thời gian tới, Bluewater sẽ đưa công nghệ lọc nước hiệu quả bằng năng lượng tới các hộ gia đình, văn phòng và không gian sự kiện trên khắp châu Á với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận nguồn nước lọc cho công chúng và phá vỡ quan niệm cho rằng nước đóng chai an toàn hơn nước lọc. Được biết, Khách sạn Landmark Mandarin Oriental, Hồng Kông cũng đang tiến tới phục vụ nước đã lọc, tinh khiết trong các phòng nghỉ và sảnh đợi để du khách có thể miễn phí sử dụng.
Hạn chế dùng đồ một lần
Các quán ăn đường phố ở Việt Nam, Thái Lan và nhiều nước châu Á phần lớn đều sử dụng đồ dùng một lần bằng nhựa nên lượng rác thải ngày càng đồ sộ. Nhằm hạn chế tình trạng này, Công ty The Kommon Goods, Hồng Kông đã sản xuất một bộ dụng cụ thay thế gồm đũa tre, dao, kéo có thể tái sử dụng, chai nước bằng thép không gỉ và ống hút bằng kim loại (bao gồm dụng cụ làm sạch).
“Có 6 triệu tấn nhựa không an toàn – chủ yếu là dao, dĩa, thìa – bị loại bỏ mỗi năm và ước tính đến năm 2050, nhựa trong đại dương nhiều hơn cả cá”, Alvin Li, người đồng sáng lập Kommon Goods chia sẻ.
Nói “không” với túi nhựa
Năm ngoái, một phần ba trong số 1,67 triệu tấn rác thải sinh hoạt được xử lý tại Singapore bao gồm chất thải bao bì (chủ yếu là túi nhựa, bao bì thực phẩm) và theo Kênh Tin tức châu Á thì số tiền dùng để xử lý hơn nửa triệu tấn rác này đủ để lấp đầy hơn 1.000 bể bơi Olympic.
Dù rất thuận tiện trong mang vác và tiết kiệm khi đóng gói nhưng túi nhựa không phân hủy được và thường bị xả tràn ra biển. Đây là lý do vì sao Đài Loan ban hành cấm sử dụng tất cả các loại nhựa dùng một lần, bao gồm túi nhựa, ly nước giải khát và dao, kéo, thìa, dĩa được dùng trong các nhà hàng và doanh nghiệp vào năm 2030 và hiện lệnh cấm đã được áp dụng với ống hút bằng nhựa.
Ở những nơi như Trung Quốc và Việt Nam, thực phẩm và đồ uống thường được cho trực tiếp vào túi nilon và thói quen này khó có thể từ bỏ trong ngày một ngày hai. Lời khuyên đưa ra là hãy tận dụng các vật chứa cá nhân khi đi mua hàng để giảm nguồn cung từ nhựa.
Tham gia vào phong trào dọn rác
Dành một ngày tham gia phong trào làm sạch bãi biển có thể không phải là một gợi ý hấp dẫn, song nó rất thiết thực và ý nghĩa. Nhóm One Island One Voice gần đây đã quy tụ hơn 20.000 người dọn sạch 120 bãi biển xung quanh đảo Bali của Indonesia và bạn cũng có thể tham gia các hoạt động tương tự cùng International Coastal Cleanup, đơn vị chuyên cung cấp các công cụ để tổ chức dọn dẹp bãi biển ở cấp địa phương.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng vừa ra lệnh đóng cửa nửa năm đối với thiên đường biển đảo Boracay để làm sạch rác thải biển, Chính phủ Indonesia thì đặt mục tiêu tham vọng hơn khi trong vòng 7 năm tới sẽ làm cho nước sông Citarum có thể uống được.
Có thể thấy việc nói “không” với đồ nhựa bắt đầu từ chính mỗi cá nhân trước khi nó lan rộng đến các tập đoàn và cộng đồng. Do đó, hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.
Đỗ Hiếu (Theo forbes.com)