BVR&MT – Hai năm sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, chiều 16/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới kiểm tra tình hình ổn định đời sống nhân dân trong vùng bị thiệt hại tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế và thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị.
Đây là những địa phương ven biển của hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của 46.218 người, khoảng 13.000 hộ dân ở 230 thôn/xóm, 42 xã/ thị trấn của 4 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc) và thị xã Hương Trà tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Qua các đợt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở các địa phương trong tỉnh, đã làm tình hình xã hội dần ổn định. Việc tổ chức kê khai, xác định, thẩm định đã được tổ chức đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Người dân phấn khởi, đồng tình cao với các chính sách của Chính phủ. Việc tổ chức chi trả được thực hiện chặt chẽ từ khâu rà soát, điều tra, đánh giá, phê duyệt cũng như sự tham gia tích cực của hệ thống chỉnh trị trong việc tuyên truyền, tổ chức và giám sát thực hiện.
Theo thống kê, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế là 980.3 tỷ đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định sổ 772/QĐ-TTg.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác chi trả, đạt tỷ lệ 100% so với phê duyệt, trong đó, huyện Phú Vang đã triển khai bồi thường với tổng kinh phi 382,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 41% tổng kinh phí toàn tỉnh).
Riêng tại thị trấn Thuận An, số đối tượng được chi trả bồi thường, hỗ trợ theo diện này là 6.511 đối tượng với kinh phí 156,1 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác đền bù thiệt hại từ sự cố môi trường biển tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thăm hỏi, tìm hiểu tình hình đời sống vật chất, tinh thần và lắng nghe ý kiến của người dân đối với việc triển khai công tác đền bù tại địa phương.
Nói chuyện với bà con ngư dân thị trấn Thuận An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng chứng kiến tâm trạng phấn khởi, không khí vui tươi, đoàn kết của bà con sau khi chính quyền địa phương hoàn tất việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại từ sự cố môi trường biển.
Đánh giá cao việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường của tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đảm bảo các yếu tố công khai, dân chủ, minh bạch dưới sự giám sát của chính quyền là cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong triển khai đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, nhờ đó, gìn giữ, vun đắp được tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt lương, giáo của người dân. Tình làng, nghĩa xóm được duy trì và phát huy.
Cũng chính từ nguồn tiền hỗ trợ này, bên cạnh việc giải quyết đời sống trước mắt, người dân còn tranh thủ nâng cấp ngư cụ, trang thiết bị đi biển, từ đó nâng cao sản lượng đánh, bắt.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An đã làm tốt chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của bà con tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng giao các bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng hoàn thiện Quy hoạch phát triển vùng Phá Tam Giang, nâng cấp hạ tầng cơ sở của huyện Phú Vang, thị trấn Thuận An để tiếp tục cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho bà con.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề ngoài đánh bắt thủy sản sang các nghề như dệt, may, da giày, xuất khẩu lao động hoặc kết hợp phát triển du lịch, tận dụng lợi thế của địa danh du lịch nổi tiếng của vùng Đầm phá Tam Giang.
Cũng tại thị trấn Thuận An, Thủ tướng đã tới thăm, tặng quà cho hai gia đình ngư dân Trần Dành và Nguyễn Văn Hòa, thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, từng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016.
Rời Thừa Thiên-Huế, cũng trong chiều tối nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện với ngư dân tại Cảng cá Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị – một địa phương chịu thiệt hại nặng trong sự cố môi trường biển năm 2016.
Tại đây, Thủ tướng đã thân mật trò truyện với chủ tàu cá và ngư dân; tìm hiểu tình hình thực tế đời sống, việc làm của ngư dân sau khi Nhà nước tiến hành hỗ trợ, bồi thường thiệt hại.
Vui mừng trước sự hài lòng của người dân về công tác đền bù của Nhà nước, Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả thực hiện chủ trương bồi thường thiệt hại của chính quyền tỉnh Quảng Trị, huyện Gio Linh; đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm, sớm có các biện pháp giải quyết một số khó khăn, bất cập tại khu vực cảng cá, như tăng cường nạo vét, khắc phục tình trạng bồi lắng, khơi thông luồng, lạch để tạo điều kiện cho người dân nâng cao quy mô đánh bắt.
Hoan nghênh người dân tận dụng được nguồn kinh phí từ đền bù để mua sắm thêm ngư lưới cụ, đồ nghề đi biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt, sau khi trò chuyện, Thủ tướng đã mua cá và tặng quà ngư dân ngay tại tàu cá neo trong Cảng cá Cửa Việt.
Cũng tại huyện Gio Linh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan Khu du lịch Cửa Việt, một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Quảng Trị.
Thủ tướng đã thân mật chuyện trò với khách du lịch; tìm hiểu mô hình, điều kiện kinh doanh của một số cơ sở kinh doanh du lịch tại đây.
Thủ tướng vui mừng trước số lượng khách du lịch đến Khu du lịch Cửa Việt ngày càng tăng so với trước đây; căn dặn Ban quản lý Khu du lịch Cửa Việt cần chú ý mở rộng, cải thiện hạ tầng cơ sở lưu trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách du lịch.
Theo chương trình, sáng mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.