BVR&MT – Trong những năm gần đây, hiện tượng chặt phá rừng đầu nguồn diễn ra khá phổ biến tại địa phận xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Nguy cơ xóa sổ rừng phòng hộ
Khu rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trên địa phận của 2 thôn Lương Hải 1 và Lương Hải 2 thuộc xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Khu rừng già, rừng nguyên sinh đang bị chặt phá gần chục ha để lấy đất làm lương rẫy. Rừng bị chặt phá chủ yếu là rừng vầu nguyên sinh và các loại cây gỗ tạp, có nhiều cây gỗ lớn đường kính 30 – 40 cm bị chặt phá và đốt cháy.
Tham gia chặt phá rừng chủ yếu là các bà con dân tộc H’mông, Tày, Kinh, hầu như là hiểu biết còn hạn hẹp, chưa nhận thức rõ tác hại từ việc phá rừng. Người dân còn mở tuyến đường từ bản lên đến lưng chừng núi để tiện cho việc vận chuyển lâm sản khai thác được đi tiêu thụ. Rải rác còn nhiều lán trại được người dân dựng lên phục vụ cho việc chặt phá rừng và sản xuất.
Qua trao đổi với một số người dân làm nương rẫy tại khu vực này cho hay: dù biết việc chặt phá rừng là vi phạm pháp luật và cũng đã được chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều lần. Nhưng vì không có đất canh tác nên họ đành phải phá rừng để lấy đất sản xuất và sinh sống.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi phát rừng, người dân chủ yếu trồng quế, bồ đề và một số cây lâm nghiệp khác, về mặt hàng nông sản thì chủ yếu trồng các loại cây như sắn, ngô…
Phóng viên có buổi làm trực tiếp với ông Hoàng Văn Thìn, chủ tịch UBND xã Lương Sơn được biết: UBND xã Lương Sơn cũng đã nhận được thông tin vụ việc trên, các tổ công tác bảo vệ rừng đã đi kiểm tra xem xét nhưng chưa có kết quả báo cáo. Xã cũng đã họp giao ban và triển khai đến các thôn bản về việc bảo vệ rừng. Về phía UBND xã cũng làm công văn gửi các thôn bản và đề nghị tổ công tác bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn trực tiếp đi kiểm tra và ngăn chặn nạn phá rừng.
Qua đó nhận thấy công tác bảo vệ rừng tại địa bàn còn lỏng lẻo, chưa nắm bắt rõ các thông tin về việc phá rừng và đưa ra xử lý. Các ban ngành liên quan và chính quyền xã cần phối hợp chặt chẽ để có biện pháp ngăn chặn mọi hành vi đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của rừng. Đặc biệt chính quyền địa phương cần thể hiện hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong việc tổ chức PCCC, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong nhân dân.
Hệ lụy trực tiếp từ việc mất rừng đầu nguồn.
Hàng trăm hộ dân sinh sống dưới dãy núi, tất cả nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp đều từ trên thượng nguồn đổ về. Rừng đầu nguồn là nơi lưu giữ nguồn nước quan trọng này. Nếu việc chặt phá rừng còn tiếp diễn thì nguy cơ mất nguồn nước sạch là rất lớn, diện tích rừng ngày càng thu hẹp và nguồn nước sẽ ít đi.
Bên cạnh đó, trong khi canh tác bà con dùng thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ cỏ, trừ sâu… Sau khi được tiếp ứng ra môi trường, các chất độc hại sẽ ngấm xuống đất và đi vào nguồn nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng và làm thoái hóa môi trường sinh thái. Ngoài ra việc phá rừng sẽ làm mất lớp phủ bề mặt bền vững cho mặt đất, đất mặt bị sói mòn rửa trôi, gây trượt đất, sạt lở, lũ ống lũ quét vào mùa mưa.
Để bảo vệ rừng và phòng chống tác hại từ việc phá rừng cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để những cánh rừng còn lại sẽ mãi mãi xanh tươi.
Chiến Hữu