BVR&MT – Trong tuần qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn… xảy ra mưa đá, giông lốc khiến cây trồng, nhà cửa của người dân bị thiệt hại nặng nề tuy nhiên việc cảnh báo còn khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng thời tiết mưa đá, dông lốc gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian vừa qua xảy ra vào thời kỳ giao mùa, khi mà những đợt không khí lạnh cuối cùng của phía Bắc tràn xuống nước ta kết hợp với điều kiện địa hình, trạng thái nóng bề mặt có sẵn, tương tác không khí nóng và lạnh thì xảy ra đối lưu mạnh, hiện tượng mưa đá giông lốc xảy ra.
Các vùng xảy ra giông lốc mưa đá thường có địa hình phức tạp, làm đối lưu phát triển, có sự chênh lệch phát triển, chênh lệch nhiệt độ vùng núi với thung lũng, nơi có nhiều loại địa hình là vị trí thường xảy ra mưa đá giông lốc. Do đó, thời gian qua, mưa đá giông lốc chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn.
Cũng theo ông Quang, mưa đá xảy ra tại các tỉnh miền núi vừa qua hầu như không có dấu hiệu, xảy ra ban đêm nên rất khó cảnh báo.
“Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn, mưa đá giông lốc lại hay xảy ra vào ban đêm nên việc quan sát khó, nếu hiện tượng đó xảy ra vào ban ngày thì có 1 số dấu hiệu bà con có thể nhận biết bằng mắt thường: trời tự nhiên có mây xám kéo đến nhanh gió mạnh, xuất hiện những ổ gió cuốn có tâm xoáy. Thậm chí có viên đá vài ba kg xoáy theo dòng gió là một số dấu hiệu có thể nhận biết ổ giông lớn xuất hiện nhưng tôi xin nhắc lại, việc quan trắc đó chỉ thuận lợi đối với ban ngày mà thôi, còn ban đêm rất khó”, ông Quang cảnh báo.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn này, cảnh báo dự báo thời tiết giông lốc mưa đá vẫn là thách thức cho đến thời điểm hiện tại, hiện tượng chỉ xảy ra nhanh, xuất hiện trong khu vực hạn chế, mạng lưới quan trắc chưa đủ dầy. Do đó, đối với người dân khi nghe được thông tin cảnh báo từ cơ quan khí tượng thì có sẵn sàng đề phòng đặc biệt là khu vực có địa hình phức tạp, đan xen nhau.
“Việc cảnh báo giông lốc, mưa đá thường điểm 1 số tỉnh còn trong bản tin chung chưa thể hiện được cảnh báo chi tiết đến từng huyện hoặc xã nên phòng chống giông lốc, mưa đá cũng là thách thức, chưa có biện pháp giải quyết căn cơ việc này”, ông Quang cho hay.