BVR&MT – Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 59-HD/BTGTU về công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.
Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo về công tác PCTT. Trọng tâm tuyên truyền là Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/3/2018 của UBND thành phố về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.
Theo đó, chính quyền quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn cần tuyên truyền trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Kết hợp việc tuyên truyền, vận động với phát hiện kịp thời, ngăn chặn và tham mưu kiên quyết xử lý có hiệu quả ngay tại cơ sở những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi… từ khi mới phát sinh; đặc biệt là những địa phương, cơ quan, đơn vị ở ven đê.
Quan điểm chỉ đạo trong công tác PCTT của thành phố là chủ động phòng, chống; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong mọi tình huống có thể xảy ra; tuyên truyền kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố, địa phương và cơ quan, đơn vị. Chú trọng tuyên truyền về các trọng điểm và vị trí xung yếu trên các tuyến đê để nhân dân biết.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến về các loại thiên tai, thì các cấp chính quyền cũng cần phải bổ túc những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm về phòng, chống lụt, bão, úng ngập; về tính chất, diễn biến bất thường của mưa, lũ, bão; vận động, tổ chức hướng dẫn cho nhân dân những biện pháp chủ động chuẩn bị, tự tổ chức phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, thực hành triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do lụt, bão nhằm khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
Về hình thức tuyên truyền: có thể thực hiện bằng nhiều thức đa dạng, phong phú của các tổ chức đảng, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học…, lưu ý chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Đặc biệt, bàn các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, úng ngập ở cơ sở. Vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tham gia công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương…
Tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 theo kế hoạch đảm bảo hiệu quả, khả thi và sát với tình hình thực tế.
Biểu dương và giới thiệu kinh nghiệm của những địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức tốt việc củng cố đê điều, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, úng ngập…; đồng thời, phê phán những đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân làm chưa tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, lụt, bão, úng ngập.
Ngoài ra cũng cần đa dạng hóa các hình thức thông tin đến người dân; phát huy tối đa hiệu quả của các Đài truyền thanh phường, xã; tăng thời lượng và tần suất phát thanh nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân.
Thạch Thảo