BVR&MT – Các đỉnh núi tại châu Âu đang ngập tràn nhiều loại thực vật mới, đặc biệt hiện tượng phủ xanh khu vực này ngày càng tăng nhanh tỷ lệ thuận với tốc độ ấm lên toàn cầu từ giữa thế kỷ XX.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tự nhiên số ra ngày 4/4, qua thu thập và phân tích dữ liệu từ 302 ngọn núi phân bố trên toàn “Lục địa già” trong 145 năm qua; trong đó có Alps, Pyrenees và Carpathians, nhóm 53 nhà khoa học quốc tế nhận thấy vào thập kỷ trước, các loài thực vật “di cư” lên vùng núi cao hơn đã tăng gấp năm lần so với cách đây 50 năm (từ 1957-1966).
Hiện tượng này đặc biệt “nở rộ” trong khoảng 20-30 năm qua khi 9/10 đỉnh núi được phủ xanh bởi nhiều loài thực vật mới.
Thậm chí, hiện tượng cũng được ghi nhận dọc quần đảo Svalbard nối dài tới vòng Bắc Cực.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng phủ xanh đỉnh núi một phần là do nhiệt độ tại các khu vực núi cao ở châu Âu ấm gấp hai lần khi nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1 độ C từ giữa thế kỷ 19.
Tuy nhiên, các loài thực vật mọc ở khu vực này lại có nguy cơ mau tàn lụi, do tác động tiêu cực từ những thay đổi trong môi trường sống mới, chẳng hạn như việc lượng mưa giảm.
Cũng theo nghiên cứu, việc gia tăng nhiều loài thực vật mới tại khu vực núi cao cũng tương ứng với tiến trình quá độ mạnh mẽ và rộng khắp hành tinh, được giới khoa học gọi là “bước tiến vĩ đại.”
Một mặt, hiện tượng này là minh chứng cho những thay đổi lớn trong đời sống nhân loại vào năm 1950 với việc bùng nổ dân số, đô thị hóa, hoạt động xây đập ngăn nước, gia tăng việc sử dụng phân bón, nước sạch, tiêu thụ năng lượng và sản xuất đồ nhựa.
Mặt khác, cũng từ thời điểm trên, nhân loại đã phải chứng kiến nhiều hiện tượng tiêu cực trên Trái Đất khi bầu khí quyển tràn ngập các loại khí nhà kính (CO2, metan, nitrous oxide NO), thủng tầng ozone, axít hóa các đại dương, rừng nhiệt đới dần biến mất trong khi số lượng các loài cá trên toàn cầu suy giảm, tỷ lệ nghịch với nền nhiệt độ trung bình ngày càng tăng.
Qua nghiên cứu trên, nhóm tác giả rút ra kết luận tốc độ thay đổi đa dạng sinh thái tại các hệ sinh thái vùng núi gia tăng nhanh cho thấy các hoạt động của con người gây nhiều hệ quả sâu rộng đối với sinh quyển.
Trước đó, hàng trăm nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu đối với hiện tượng di cư cũng như nguồn cung thức ăn của các loài động-thực vật chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.