BVR&MT – Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang diễn ra rất nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ khiến nhiều diện tích đất đai canh tác nông nghiệp bị cuốn trôi mà còn đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân sinh sống ven bờ sông.
Sống trong sợ hãi
Trước tình trạng sạt lở bờ sông Lam đoạn qua xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn ở mức báo động, hàng trăm hộ dân luôn thấp thỏm, sống tình cảnh lo lắng, mất ăn mất ngủ, đất sản xuất, đường dân sinh, thậm chí cả nhà cửa cũng có thể bị sông Lam “nuốt chửng” bất cứ lúc nào.
Từ hơn 10 năm trở về trước, nhiều người dân sinh sống ở địa bàn xã đã sống trong lo lắng vì tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông Lam ngày càng nghiêm trọng. Tại đây, nhiều hécta đất sản xuất hoa màu đã bị những trận lũ cuốn trôi. Năm 2012, người dân vui mừng phấn khởi khi địa phương nhận được dự án chống sạt lở với kinh phí hơn 3 tỷ đồng do sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An thực hiện.
Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, những năm gần đây, dưới dự ảnh hưởng của thiên nhiên, mưa lũ kéo dài đã làm cho lòng sông Lam bị khoét sâu, bờ kè sạt lở nghiêm trọng, người dân và chính quyền địa phương lại sống trong nỗi lo lắng, sợ hãi.
Theo người dân địa phương cho biết bờ kè này bị sạt nghiêm trọng vào cuối năm 2016, sau những đợt mưa lớn, nước lũ dâng cao.
Ông Trần Văn Vỹ (ở xóm 17, xã Xuân Lâm) chia sẻ với PV Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử: “Sạt lở càng ngày càng lấn vào đất sản xuất hoa màu, đường dân sinh của chúng tôi. Chính quyền địa phương cũng đã đến kiểm tra, đo đạc nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Mùa mưa lũ đến, chúng tôi lại nơm nớp lo sợ, đêm nằm không ngủ được”.
Một người dân tại xã Xuân Lâm cho biết thêm: “Hiện nay, nước sông Lam “ăn” sâu vào đất sản xuất của người dân chúng tôi, việc sạt lở không chỉ gây mất đất hoa màu mà còn nguy hiểm đến tính mạng người dân trong quá trình canh tác đất, để giảm bớt mức độ sạt lở, người dân chúng tôi cũng đã dùng đá, cọc tre,… nhưng chỉ là biện pháp tạm thời. Bởi nước sông Lam chảy ngầm rất mạnh, tốc độ sạt lở rất nhanh. Mong cơ quan ban nghành sớm có giải pháp kịp thời chứ ở thế này lo lắm”.
Hiện nay có khoảng 50m bờ kè đã bị sạt lở, đá kè theo dòng nước sông trôi xuống bờ sông. Bờ kè sạt làm cho một phần đường bê tông dân sinh xuất hiện một số vết nứt nẻ, phía dưới là hàm ếch, nguy cơ sắp tới nếu không sửa chữa, gặp mưa lớn đoạn đường sẽ theo sụt lở theo dòng nước lũ.
Nguy cơ “nuốt” đường dân sinh
Theo quan sát của phóng viên, hiện một phần đường và một đoạn bờ kè dài bị lún sâu hơn 1m so với ban đầu, nhiều nơi bị nứt. Bờ kè sập xuống để lộ khung liên kết giữa chân kè, tạo nên những hàm ếch. Không những vậy, bờ kè sạt lở làm cho một phần đường bê tông dân sinh xuất hiện nhiều vết nứt nẻ.
Một số nhà dân ở gần điểm sạt lở đang nơm nớp lo sợ ngày đêm. Vì nếu không sớm khắc phục, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người dân. Ông Nguyễn Văn Thành (56 tuổi, trú xã Xuân Lâm) cho biết: “Người dân rất hoang mang, lo sợ bờ kè tiếp tục sạt, chúng tôi sẽ mất đất sản xuất. Tuyến đường dân sinh mới xây dựng để người dân thuận tiện trong việc đi lại để canh tác sản xuất sẽ biến mất nếu không nhanh chóng tiến hành sửa chữa. Anh Nguyễn Xuân Lam, một người dân cùng xã, nói: “Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị về việc sạt lở bờ kè lên chính quyền, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có động thái khắc phục, khiến chúng tôi hết sức lo lắng”.
Theo ông Nguyễn Thái Học, cán bộ địa chính xã Xuân Lâm, cho biết: “Nguyên nhân chính của việc sạt lở là do ảnh hưởng của mưa bão. Mưa lớn kéo dài, làm cho nền đất mềm trên mái kè ngấm nước, giảm độ dính kết dẫn tới hiện tượng sụt lún, đẩy mái kè trượt xuống”.
Tuy nhiên, theo một số người dân, ngoài lý do trên thì nguyên nhân khác là tình trạng khai thác cát tự phát trên sông Lam chưa được giải quyết dứt điểm. Nạn hút cát trái phép đã làm xói hỏng chân kè. Cách bờ kè chỉ khoảng vài trăm mét cũng có một bãi hút cát đang hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Trà Giang, phó chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, cho biết: “Tình hình sạt lở ở bờ sông trên địa bàn là hết sức đáng báo động. Bằng mắt thường có thể nhận thấy rằng độ kết dính đá ở bờ kè không được tốt. Bờ kè sụt lún hàng chục mét khiến địa phương cũng hết sức lo lắng”.
“Địa phương sẽ sớm báo cáo tình hình sạt lở bờ sông Lam lên các cơ quan chức năng để có phương án sớm khắc phục, đảm bảo an toàn cho khu dân cư đi lại an toàn sản xuất”, bà Giang cho biết thêm.
Đình Nguyên