BVR&MT – Sáng 31/3, tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã khai mạc lễ hội Đền Chín gian và kỷ niệm 55 năm thành lập huyện Quế Phong.
Lễ hội Đền Chín Gian diễn ra từ ngày ngày 14/2 đến 16/2 (âm lịch) hằng năm thu hút rất đông người tham gia. Lễ hội gắn liền với lịch sử của ngôi đền Chín gian (Tên Càu Hoòng) có từ thế kỷ thứ 14. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân vùng sơn cước.
Trước đây lễ hội có sự tham gia của 9 mường người Thái trải rộng trên khắp các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày nay. Mỗi mường có một gian thờ riêng và đó cũng là nguồn gốc tên gọi của ngôi đền. Cứ 3 năm lại có 1 hội lớn và các mường đều phải cúng tế trâu tại đền Chín Gian.
Qua một số lần di dời và tôn tạo, đầu thế kỷ 20 ngôi đền chuyển về núi Pú Pỏm thuộc xã Châu Kim cũng là vị trí hiện tại.
Lễ hội Đền Chín Gian gắn liền với những huyền thoại khai bản lập mường của người Thái ở miền núi Nghệ An, gắn với huyền tích về nàng Xỉ Đả là con trời và chủ mường tên là Lò Ỷ. Năm 2016, nghi lễ hội Đền Chín Gian được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xếp vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của một bộ phân dân cư ở khu vực miền núi phía Tây Nghệ An như: Khắc luống; đánh cồng; đấu vật; đánh quay; đi cà kheo; bắn nỏ; kéo co; ném còn; đánh khăng; chọi gậy,… liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi Người đẹp 9 mường luôn thu hút người xem.
Một số hình ảnh đặc sắc tại Lễ hội Đền Chín gian:
Duy Ngợi