Phát triển kinh tế biển bền vững: Tiềm năng, thách thức và định hướng

BVR&MT – Khai thác tiềm năng biển, đảo là vấn đề quan trọng mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và không có biển. Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, các nước ngày càng quan tâm tới biển. Việc phát triển kinh tế biển trở thành xu thế tất yếu trên con đường tìm kiếm và đảm bảo các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn cho loài người trong tương lai. Nhìn lại bức tranh kinh tế biển Việt Nam trong thời gian qua, tuy có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã có những sự việc ảnh hưởng nhất định đến môi trường, kinh tế – xã hội… các địa phương và vùng miền. Vì vậy, yêu cầu về việc phát triển kinh tế biển một cách hài hòa, bền vững đã và đang được đặt ra một cách cấp bách.

Ảnh minh họa: PanNature

Tiềm năng lớn

Vùng biển nước ta thuộc Biển Đông, nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực; ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philipines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng trăm triệu dân thuộc những quốc gia này.

Vùng biển Việt Nam có diện tích rộng, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km (đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới) và tỷ lệ mặt tiền hướng biển gấp 6 lần thế giới. Nước ta có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Biển Đông đóng vai trò “cầu nối” quan trọng, là cửa mở với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. So với các vùng khác trong nội địa, vùng ven biển gồm hầu hết các đô thị lớn có kết cấu hạ tầng khá tốt; có các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đang được đầu tư phát triển mạnh; có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, trong đó một số loại có giá trị làm mũi nhọn để phát triển; có nguồn lao động dồi dào và hệ thống giao thông sắt, thủy, bộ thuận tiện… là điều kiện hết sức thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý hiện đại của nước ngoài, từ đó lan tỏa ra các vùng khác trong nội địa.

Tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỷ m3 quy dầu quy đổi, chủ yếu là khí (chiếm trên 50%) và tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỷ m3 quy dầu, chiếm 30-35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam, trong đó khí thiên nhiên chiếm trên một nửa. Các mỏ phát hiện dầu khí phân bố chủ yếu ở bốn bể là Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay – Thổ Chu; các bể còn lại là bể Tư Chính Vũng Mây và cụm bể Trường Sa và cụm bể Hoàng Sa chưa đủ số liệu để xác định chính xác diện tích bể cũng như các điểm khai thác. Trong số các mỏ đã phát hiện, mỏ Bạch Hổ ở bể Cửu Long được coi là lớn nhất với trữ lượng khoảng 340 triệu m3 quy dầu, tương đương khoảng 2,1 tỷ thùng, đóng góp vào 80% trữ lượng dầu khai thác hàng năm của Việt Nam.

Không chỉ sở hữu trữ lượng dầu phong phú, Việt Nam còn có tiềm năng lớn về giao thông thủy. Vùng ven bờ nước ta có tổng số 48 vũng vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000 km2, phân bố từ Bắc vào Nam, trong đó vùng Nam Trung Bộ có nhiều nhất (31 vũng, vịnh), chiếm 64,6% tổng số vũng vịnh cả nước, tiếp đến là vùng Bắc Bộ (7 vũng vịnh), chiếm 14,6%, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cùng có 5 vũng vịnh, chiếm 10,4%, còn vùng biển Nam Bộ không có vũng vịnh. Nhiều vũng vịnh tương đối sâu và kín, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền.

Về nguồn lợi hải sản, Việt Nam có mặt trong danh sách 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và danh sách 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu do hải sản đem lại. Đến nay ở vùng biển Việt Nam đã phát hiện được chừng 12.000 loài sinh vật với trên 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế; trữ lượng cá biển của toàn vùng khoảng 4,2 triệu tấn; sản lượng cho phép khai thác chừng 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn tấn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương. Bên cạnh đó, biển Việt Nam còn nhiều nguồn lợi hải sản khác với khoảng 1.600 loài giáp xác, sản lượng cho phép khai thác 50-60 nghìn tấn/năm, trong đó hải sản có giá trị cao là tôm biển, tôm hùm, tôm mũ ni, cua, ghẹ; khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, trong đó có các loài có giá trị kinh tế cao nhất là mực và bạch tuộc (cho phép khai thác 60-70 nghìn tấn/năm)…

Về du lịch và kinh tế hải đảo, với bờ biển dài 3260 km cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo, trong đó có những bãi, biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh… Ngoài ra, còn nhiều khu vực biển có tiềm năng lớn đã và đang được đầu tư như: vịnh Hạ Long – Hải Phòng – Cát Bà; Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Vân Phong – Đại Lãnh – Nha Trang; Vũng Tàu – Long Hải – Côn Đảo; Phan Thiết – Mũi Né; Hà Tiên – Phú Quốc. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều khu vực ven biển có rừng ngập mặn (rừng ngập mặn Cà Mau, rừng ngập mặn cần Giờ…) cùng nhiều làng nghề, lễ hội độc đáo nên tạo điều kiện rất tốt cho phát triển du lịch.

Ngoài những tiềm năng về tài nguyên – môi trường, biển Việt Nam còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.720 km2, 02 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa (gồm hơn 200 đảo) và các đối tượng địa lý (187 đảo). Trong số 3.000 hòn đảo chỉ có 03 đảo rộng trên 100 km2 là Phú Quốc (558 km2), Cái Bầu (194 km2) và Cát Bà (160 km2); còn lại là các đảo nhỏ. Các đảo phân bố từ phía Tây vịnh Bắc Bộ đến phía Đông vịnh Thái Lan nhưng chủ yếu tập trung ở hai vùng biển Đông Bắc và Tây Nam. Trong đó, các tỉnh, thành phố có nhiều đảo nhất là Quảng Ninh (2.078 đảo, chiếm khoảng 75% tổng số đảo ven bờ Việt Nam), thành phố Hải Phòng (243 đảo, chiếm 8,8%), Kiên Giang (157 đảo, chiếm 5,7%) và Khánh Hòa (103 đảo, chiếm 3,7%)… Hệ thống đảo Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng. Với vị trí phân bố đặc thù, hệ thống đảo có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển, đảo. Đây được coi là ưu thế nổi bật, đặc thù của hệ thống đảo mà các vùng khác không có.

Thách thức không nhỏ

Đi cùng với tiềm năng, cơ hội phát triển, lĩnh vực phát triển kinh tế biển cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: ô nhiễm vùng bờ, phát triển nóng không gian biển, quy hoạch tổng thể.

Ô nhiễm khu vực biển ven bờ

Hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Đơn cử, chỉ riêng trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng. Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m3 nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 600 nghìn ha, mỗi năm sẽ thải ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Cụ thể: Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, trên 37.000 ha đã được khai thác đưa vào nuôi trồng thủy sản (chiếm 30-35% diện tích nước mặn lợ). Phần lớn cơ sở đã đi vào nuôi trên quy mô công nghiệp dẫn tới các nơi cư trú sinh vật, bãi đẻ, bãi giống bị hủy diệt, dịch bệnh xuất hiện tràn lan…

Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa là tràn dầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn đã làm gia tăng rất mạnh lượng tiêu thụ xăng dầu. Lợi ích kinh tế dẫn đến tình trạng khai thác dầu quá mức. Trong khi đó, lượng dầu rất lớn bị rò rỉ ra môi trường biển do hoạt động của các tàu và do các sự cố hư hỏng hay đắm tàu trở dầu, do sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu. Đáng chú ý là các vụ tràn dầu nghiêm trọng những năm gần đây có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng.

Hàng năm, trên 100 con sông ở nước ta thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, lượng chất thải đã gia tăng rất lớn ở các vùng nước ven bờ, trong đó dầu khoảng 35.160 tấn/ngày, nitơ tổng số 26-52 tấn/ngày và tổng amoni 15-30 tấn/ngày. Báo cáo hiện trạng môi trường đã chỉ ra rằng chất lượng môi trường biển và vùng ven biển tiếp tục bị suy giảm. Nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển Nam Trung bộ, đặc biệt tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận làm chết các loại tôm cá đang nuôi trồng tại vùng này. Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng bờ. Khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 70 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Phát triển nóng các không gian biển

Cùng với sự phát triển kinh tế, các mảnh đất sát biển được coi là mảnh đất vàng. Các hoạt động ở khu vực này vô cùng sôi động, đi dọc ven biển nhiều khu công nghiệp hiện đại gắn liền với các cảng biển nước sâu, các khu resort, sân gofl, nghỉ dưỡng phục vụ du lịch đã phần nào thay đổi bộ mặt các khu vực ven biển. Các khu vực trước kia là các làng chài nghèo ven biển, đồi cát hoang vu nay được thay đổi mới. Những điều này đã phần nào mang lại đời sống mới cho bộ phận các cư dân ven biển. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đó là nhiều bất cập. Đầu tiên là các công trình này làm giảm quyền được tiếp cận của người dân tới biển khi các công trình ven biển hiện nay phần lớn phục vụ cho mục đích du lịch, phát triển công nghiệp… Trong khi đó, một trong những nguyên tắc được công nhận đó là tài nguyên biển là tài nguyên chia sẻ, việc độc chiếm không gian ven biển của các khu công nghiệp, khu resort, sân gofl… làm nảy sinh nhiều khó khăn cho người dân khi muốn ra biển. Nhiều khu vực, người dân phải đi xa hàng chục km mới có thể ra biển.

Thời gian chụp tháng 7/2014  Thời gian chụp tháng 7/201 6

Hình 1: Tình trạng phát triển ven biển Nha Trang (Nguồn: Google Earth)

   Thời gian chụp tháng 5/2014 Thời gian chụp tháng 2/2016

Hình 2: Tình trạng phát triển khu vực bờ biển Bãi Cháy – Quảng Ninh (Nguồn: Google Earth)

Thứ hai, việc phát triển ồ ạt các khu vực ven biển sẽ tác động đến môi trường, ảnh hưởng trước tiên là làm chết các sinh vật đáy, mất đi môi trường sinh sống, đẻ trứng của các loài thủy sinh, ngoài ra còn ảnh hưởng đến dòng chảy dẫn đến sạt lở ở các vùng xung quanh. Vùng ven biển luôn tồn tại dòng hải lưu ven bờ, khi địa hình một khu vực bờ biển nào đó bị thay đổi, nhô ra do việc lấn biển khiến các dòng hải lưu thay đổi, hệ quả là gây bồi tụ hoặc xói lở ở các vùng biển xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng hải và các công trình, bãi biển khu vực đó.

Thêm nữa, việc phát triển nóng các không gian ven biển còn tạo ra trầm tích lơ lửng trong nước. Sự xuất hiện các trầm tích này phát tán ra các khu vực biển xung quanh làm cho độ đục nước biển khu vực đó tăng lên, các sinh vật phù du không có ánh sáng mặt trời quang hợp dẫn đến chuỗi thức ăn bị thay đổi, xáo trộn thậm chí còn biến mất. Sự gia tăng các trầm tích trong nước cũng làm một số hệ sinh thái như rừng ngập mặn, cỏ biển bị chết. Việc mất đi các hệ sinh thái trên làm giảm khả năng giữ lại trầm tích, lại làm cho các hạt này phát tán xa hơn, có trường hợp đã gây ảnh hưởng đến rạn san hô cách đó hàng chục km.

Hình 2: Nghiên cứu cho thấy, việc xây dựng các công trình phải lùi sau vùng đụn cát thứ cấp

Thiếu quy hoạch tổng thể khiến việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý

Các quy hoạch khai thác sử dụng biển đã xây dựng trước đây đều là quy hoạch ngành. Do đặc điểm quản lý khai thác biển của chúng ta trước kia là quản lý biển theo ngành, mỗi Bộ được giao quản lý một ngành, vì vậy, mỗi Bộ xây dựng cho mình một quy hoạch riêng, trình Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các Bộ xây dựng kế hoạch cho việc khai thác sử dụng biển. Do có nhiều Bộ cùng tham gia quản lý biển theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao nên có nhiều quy hoạch chuyên ngành khác nhau về biển. Việc quản lý theo ngành, quy hoạch ngành đã đem lại một số kết quả nhất định, tuy nhiên, việc chưa có một quy hoạch tổng thể, thống nhất về khai thác, sử dụng biển dẫn đến sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các ngành, lĩnh vực, đồng thời tài nguyên biển bị sử dụng một cách thiếu bền vững, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có thể lấy quy hoạch cảng biển làm ví dụ. Cả nước hiện được quy hoạch thành 5 nhóm cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam và theo quy hoạch, lượng hàng hóa thông qua cảng chiếm từ 900-1.100 triệu tấn/năm vào năm 2020. Hệ thống cảng được quy hoạch phục vụ cho sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cảng ở nhiều nơi được xây dựng quá sát nhau, thiếu các hạ tầng hỗ trợ. Khu vực cảng lại chưa kết hợp được với các ngành khác như thủy sản, du lịch… Đặc biệt, không gian xây dựng cảng biển thường ở những nơi có các hệ sinh thái nhạy cảm và rất giá trị. Điều này khiến các hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến sinh thái và môi trường tự nhiên, như làm mất các nơi sinh cư của động thực vật, gây ô nhiễm nước, không khí và đất xung quanh khu vực cảng. Những tác nhân gây ô nhiễm vùng cảng biển lớn nhất là dầu mỡ khoáng, các phế thải trên tàu và phế liệu xây dựng xả xuống biển. Do đó, hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển cũng có xu hướng gia tăng tại các khu vực vịnh và cảng biển.

Định hướng phát triển và khuyến nghị chính sách

Nghị quyết Trung ương 4 khóa X đã xác định “đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phát về kinh tế biển, ven biển như sau: 1) Khai thác, chế biến dầu, khí; 2) Kinh tế hàng hải; 3) Khai thác và chế biến hải sản; 4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5) Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Sau năm 2020, thứ tự phát triển kinh tế biển có sự thay đổi: 1) Kinh tế hàng hải; 2) Khai thác, chế biến dầu, khí và các loại khoáng sản; 3) Khai thác và chế biến hải sản; 4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5) Các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển”. Như vậy có thể thấy từ mức độ vĩ mô việc phát triển kinh tế biển được định hướng theo xu hướng giảm dần khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo và thay bằng các cách thức khai thác sử dụng biển một cách bền vững hơn.

Hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế biển, vấn đề khai thác tổng hợp kinh tế biển là một yêu cầu vô cùng cấp bách do môi trường biển là một môi trường thống nhất, không chia cắt và rất nhạy cảm dưới tác động của con người. Việc khai thác không hợp lý dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, hầu như chúng ta mới chỉ khai thác dưới dạng thô (dầu khí, cát biển, muối biển…); giao thông vận tải biển cũng chưa xứng với tiềm năng; du lịch biển chưa đủ mạnh, nguy cơ suy thoái và ô nhiễm môi trường biển ngày càng cao. Do đó, để phát triển kinh tế biển bền vững, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển chủ lực dựa trên cách tiếp cận dài hạn, bền vững và đồng bộ và gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Riêng với ngành tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, cần phát triển ngành dầu khí đồng bộ, trở thành bộ phận quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia và hướng tới việc khai thác bảo đảm nhu cầu trong nước và có dự trữ bảo đảm cho phát triển dài hạn. Bên cạnh đó, cần phát triển ngành dựa trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên; lấy mục đích cuối cùng và yêu cầu của kinh tế thị trường để tiến hành triển khai các hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác, chế biến. Thêm nữa, cần tập trung đầu tư cho chế biến sâu đối với ngành dầu khí, hướng tới việc thay thế nhập khẩu và cải thiện khả năng điều tiết, bình ổn giá. Với ngành vận tải biển, cảng biển, cần phát triển vận tải biển theo hướng hiện đại hóa với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới. Còn với ngành du lịch biển, cần phát triển du lịch biển phải đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam gắn chặt với sự phát triển của các địa phương vùng ven biển. Phát triển du lịch biển có phân khúc, có trọng tâm, hướng tới sự bền vững và có chất lượng, đồng thời phát triển du lịch biển kết hợp chặt chẽ với mục tiêu bảo đảm quốc phòng – an ninh. Trong khi đó, ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản cần phát triển phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế tiềm năng, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh việc phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực, cần thực hiện song song các giải pháp về bảo vệ môi trường, bảo vệ bờ biển và quy hoạch biển để thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững.

Hiện nay, lĩnh vực bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập như Luật Dầu khí, Luật Thủy sản, Luật Hàng hải, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… Tuy nhiên, để quản lý công tác bảo vệ môi trường biển tốt hơn, cần tăng cường hệ thống giám sát, xây dựng các báo cáo định kỳ hàng tháng về môi trường biển, phối hợp với các đơn vị để thu nhận thông tin kịp thời về các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển. Mặt khác, cần xây dựng quy định xử phạt đối với từng trường hợp gây ô nhiễm như hoạt động xả trộm chất thải ngoài khơi, hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường biển từ ngoài biên giới, hành vi nhận chìm không xin phép… Ngoài ra, cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, giúp cho người dân, chính quyền hiểu được tầm quan trọng của biển, sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường biển.

Song song với đó, cần khẩn trương thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đến thời điểm tháng 2/2018, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có địa phương nào thực thi nhiệm vụ này. Do vậy, trong thời gian tới cần nhanh chóng thúc đẩy việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển ở các địa phương.

Cuối cùng, cần đặc biệt chú ý vấn đề quy hoạch biển. Hiện đã có quy định về việc xây dựng và ban hành một số quy hoạch mang tính tổng thể ở biển như: Quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên và bảo vệ  môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ hay gần đây là Quy hoạch không gian biển quốc gia. Các quy hoạch này tuy có khác nhau về tên gọi, phạm vi… song vẫn mang tính liên ngành, tổng thể và góp phần giảm bớt xung đột chồng chéo giữa các ngành, lĩnh vực sử dụng biển, đồng thời bảo vệ được các hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch nào trong số các quy hoạch nêu trên được ban hành. Do đó, cần gấp rút triển khai nhiệm vụ này nhằm đảm bảo hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.


Tài liệu tham khảo

1. Lê Đức An (2008), Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam tài nguyên và phát triển, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ.

2. Chính phủ (2015), Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.

3. Trần Đức Thạnh và nnk (2008), Vũng vịnh ven bờ biển Việt Nam và tiềm năng sử dụng, NXB Khoa học Tự nhiên & Công nghệ Hà Nội.

4. Phạm Thược (2017), Cá và các loài nhuyễn thể ở Biển Đông.

Hà Thanh Biên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam