BVR&MT – Hôm nay, ngày 29/3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, thành phố Hà Nội.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại đã gây thảm họa cho nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện nay ngày càng có xu hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ở nước ta, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP . Riêng năm 2017, năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông, đã làm 386 người chết, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).
Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 04 ATNĐ) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11- 12 giật cấp 13-15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). Thiệt hại bão số 10 làm 06 người chết, 3.200 nhà bị sập, đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, nước dâng sóng lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế,… về kinh tế khoảng 18.402 tỷ đồng; thiệt hại bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản,.. về kinh tế khoảng 22.679 tỷ đồng. Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).
Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.
Trong khi đó, hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ, đặc biệt là đợt hạn lịch sử diễn ra từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 trên diện rộng tại 18 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, nhất là về sản xuất nông nghiệp, đã có trên 2 triệu người bị ảnh hưởng, 500.000 hộ dân thiếu nước sạch, 280.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 38.889 ha cây công nghiệp bị thiệt hại (lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm 2016); thiệt hại về kinh tế trên 15.700 tỷ đồng.
Mặc dù diễn biến bất thường khốc liệt của thiên tai, nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy được triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, sự chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên đã giảm bớt được thiệt hại về người và tài sản.
Hội nghị hôm nay nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; những vấn đề tồn tại và bất cập cũng như đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối hiệu quả của Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy các bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng, chống thiên tai; Xác định nhu cầu nguồn lực để ưu tiên đầu tư, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tốt hơn; Các giải pháp huy động từ các nguồn vốn khác nhau bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ quốc tế và sự tham gia của khối tư nhân.
Thạch Thảo