BVR&MT – Để phục vụ cho gần 200 ha đất nông nghiệp tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An, năm 2002 nơi đây đã khởi công, công trình thủy lợi cầu Sến với vốn đầu tư gần 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình trạm bơm đồ sộ được xây dựng từ nguồn vốn 135/CP đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nay không phát huy hiệu quả, vừa lãng phí, vừa gây khó khăn trong quá trình sản xuất của nhân dân.
Hệ thống kênh N1 – Công trình Trạm bơm Cầu Sến gồm 596m đường ống sắt được thiết kế cách mặt đất khoảng 1,5m bởi hệ thống chân trụ bê tông kiên cố, 885m kênh bê tông là những hạng mục công trình được xây dựng mới bằng nguồn vốn 135 giai đoạn 2 của Chính phủ để hoàn chỉnh hệ thống kênh tưới của Trạm bơm Cầu Sến đã được xây dựng từ năm 2002 với số tiền lên đến khoảng 1,3 tỷ đồng. Công trình do huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư, được hoàn thành và bàn giao cho xã Thanh Đức từ năm 2007.
Theo người dân nơi đây cho biết, Trạm bơm được xây dựng từ năm 2002 và hoàn thành năm 2007. Công trình có 2 tổ máy và hệ thống đường ống rộng gần 1m, thiết kế bằng ống thép, chiêu dài 600m, chạy vòng qua cánh đồng chè, nằm cách mặt đất 1,5m bởi chân trụ bê tông cốt thép vững chắc. Với mục đích phục vụ cho hơn 200 ha đất nông nghiệp tại địa phương, công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô.
Trên thực tế, vào mùa nắng nóng nơi đây thường xuyên thiếu nước cung cấp cho vùng nguyên liệu chè và 80ha lúa, theo đó năng suất của cây trồng cũng không được cao. Khi nghe tin, xã nhà được đầu tư xây dựng 1 hệ thống dẫn nước bằng bê tông dài trên 885 m, có nhiệm vụ dẫn nước từ đường ống về vùng nguyên liệu chè thì người dân nơi đây hết sức vui mừng. Họ hy vọng rằng khi trạm bơm và tuyến kênh này hoạt động sẽ phục vụ tưới tiêu cho cây lúa cùng với diện tích chè công nghiệp, đời sống người dân sẽ được nâng cao, góp phần thay đổi bộ mặt của một vùng quê nghèo.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân nơi đây bức xúc là từ khi công trình được hoàn thành đến nay, hệ thống thủy lợi này chỉ duy nhất hoạt động được một lần khi chạy thử. Tại thời điểm hiện tại máy móc, đường ống đã hoen rỉ, kênh bê tông đã nứt nẻ. Việc xây dựng Trạm bơm và tuyến kênh không phát huy tác dụng, gây lãng phí lớn về kinh tế của nông nghiệp.
Điều đáng nói, ngay từ khi xây dựng thì công trình thủy lợi Cầu Sến đã bị sự phản đối của nhân dân trong xã vì không có hiệu quả, gây lãng phí. Mặc dù vậy, công trình vẫn cứ được xây dựng và hậu quả là tiền mất mà dân không được hưởng lợi?
Anh Nguyễn Hữu Tài xóm 2 Thanh Đức, Thanh Chương bức xúc: Công trình Trạm bơm là niềm hy vọng của nhiều người dân nơi đây. Tuy nhiên đã hơn 10 năm sau khi hoàn thành công trình vẫn không được sử dụng. Để có nước tưới tiêu người dân phải xuống tận sông để gánh nước lên tưới chè, mua máy bơm và trông chờ vào thời tiết mới có nước sử dụng.
Một người dân khác cho biết: “Người dân nơi đây vẫn còn khó khăn, thế nhưng để lãng phí công trình tiền tỷ như thế là không chấp nhận được. Trạm bơm xây dựng xong không những không sử dụng được mà còn gây phiền toái, ảnh hưởng đến lối đi của nhiều hộ dân khi canh tác sản xuất. Đề nghị chính quyền tháo gỡ, chứ để thế cũng không giải quyết được vấn đề gì”.
Được biết, công trình được xây dựng theo chương trình 135 của Chính phủ, xây dựng công trình thủy lợi vừa và nhỏ cung cấp nước cho sản xuất tại xã Thanh Đức. Hiện tại công trình đang chờ phá hủy, nhân dân xã Thanh Đức đã đề nghị huyện Thanh Chương có giải pháp tháo dỡ trạm bơm đi nơi khác để giải tỏa đường đi lại cho nhân dân sản xuất, do đường ống và mương ngăn cách cản trở khó khăn trong việc vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch.
Trao đổi với Phóng viên baovemoitruong.org.vn, ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức huyện Thanh Chương cho biết: “Theo thiết kế, công trình này sẽ phục vụ cho quá trình sản xuất của bà con trong xã. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại chuyển đổi cây trồng từ cây lúa nước sang cây chè, do hệ thống thủy lợi này không phù hợp với cánh đồng chè nên trạm bơm ngừng hoạt động. Lỗi này thuộc về trách nhiệm của đơn vị thực hiện, vì họ không khảo sát kỹ nhu cầu chuyển đổi cây trồng của người dân”.
Theo đó, chính quyền xã cũng đã nhiều lần gửi Công văn trình lên Sở NN-PTNT Nghệ An và UBND huyện Thanh Chương để có phương án xử lý hệ thống thủy lợi này, có thể di dời đường ống. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa địa phương nào có nhu cầu sử dụng. Ông Vinh cho biết thêm.
Thanh Đức là một trong những xã nghèo nhất của huyện và nhờ Chương trình 135 nên xã được đầu tư khá nhiều tiền của để xây dựng nên nhiều công trình phục vụ dân sinh. Chỉ tiếc là một nguồn tiền lớn trong đó đã được UBND huyện Thanh Chương đem xây dựng trạm bơm để rồi bây giờ chờ ngày tháo dỡ. Nguyên nhân cũng chính là do cơ quan chức năng địa phương cùng với đơn vị thực hiện đã không khảo sát, tính toán kĩ trước khi xây dựng, đặt địa điểm xây dựng công trình chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương gây lãng phí, không phát huy được hiệu quả kinh tế.
Đình Nguyên