BVR&MT – Nước biển dâng là hiện tượng tự nhiên rất nguy hiểm đối với người và tài sản ở những khu vực ven biển. Đặc biệt, nước biển dâng do bão, mặc dù tần suất xuất hiện không nhiều nhưng do mực nước thường dâng cao và bất ngờ, gây ngập lụt, thiệt hại nặng nề cho khu vực ven biển.
Các chuyên gia về biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhận xét, từ năm 1978 đến nay, lượng băng trung bình hàng năm ở Bắc Băng Dương giảm khoảng 2,1-3,3% mỗi thập kỷ. Sự nóng lên của hệ thống khí hậu được minh chứng thông qua số liệu quan trắc ghi nhận sự tăng lên của nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước biển trung bình toàn cầu, sự tan chảy nhanh của lớp tuyết phủ và băng, làm mực nước biển dâng trung bình toàn cầu tăng.
Từ tháng 10/1992 đến 12/2010, mực nước biển dâng với tốc độ 3,27 mm/năm; trên quy mô toàn cầu, xu thế biến đổi của mực nước biển tăng mạnh ở ven bờ Tây Thái Bình Dương trong khi xu thế giảm ở bờ Đông Thái Bình Dương.
Bão đứng đầu trong các thiên tai
Ở Việt Nam, nước dâng do bão đã gây rất nhiều thiệt hại về người và của. Theo thống kê, bão đứng hàng đầu trong số 6 thiên tai xảy ra ở nước ta, sau đó là lụt, hạn hán, cháy rừng, lở đất và động đất. Nước dâng trong bão kèm theo sóng lớn là nguyên nhân gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến đê biển và các công trình ven biển, nó trở lên đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra trong thời kỳ triều cường.
Tại một số khu vực có biên độ thủy triều lớn như vùng Quảng Ninh – Hải Phòng và khu vực ven biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau, nếu bão đổ bộ vào lúc triều cường, chỉ cần những cơn bão gây nước dâng nhỏ cỡ vài chục cm đã gây ngập lụt vùng ven bờ, như trường hợp bão số 2 năm 2013 đổ bộ vào Hải Phòng chỉ với cấp 8 gây nước dâng 0,7m, nhưng vào lúc triều cường đã gây ngập lụt khu vực Đồ Sơn-Hải Phòng. Thực tế tại Việt Nam đã có một số cơn bão mạnh đổ bộ vào bờ tại thời điểm triều cường như bão Washi năm 2005, bão Sangse năm 2008.
Theo số liệu mực nước quan trắc tại các trạm hải văn ven biển, xu thế biến đổi mực nước biển trung bình năm không giống nhau. Hầu hết các trạm có xu hướng tăng, nhưng một số ít trạm lại không thể hiện rõ xu hướng này. Xu thế biến đổi trung bình của mực nước biển dọc bờ biển Việt Nam là khoảng 2,8mm/năm. Số liệu mực nước đo đạc từ vệ tinh từ năm 1993 đến 2010 cho thấy, xu thế tăng mực nước biển trên toàn Biển Đông là 4,7mm/năm, phía Đông của Biển Đông có xu thế tăng nhanh hơn phía Tây.
Chỉ tính cho dải ven bờ Việt Nam, khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Tây Nam Bộ có xu hướng tăng mạnh hơn, trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam tăng khoảng 2,9mm/năm. Qua các nghiên cứu khoa học của Việt Nam gần đây, trong thời gian khoảng 50 năm (1951-2000), nhiệt độ trung bình/năm của Việt Nam đã tăng khoảng 0,5-0,7 độ C, mực nước biển dâng khoảng 20cm.
Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam do các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu mới xây dựng năm 2016 nêu rõ: Theo kịch bản RCP4.5, vào cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa 58cm (33cm ÷ 83cm); thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dấu 53cm (32cm ÷ 75cm). Theo kịch bản RCP8.5, vào cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 78cm (52cm ÷ 107cm); thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dấu 72cm (49cm ÷ 101cm).
Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 17,57% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP Hồ Chí Minh và 4,79% diện tích Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có nguy cơ ngập cao (39,40% diện tích), trong đó tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích). Các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc. Nguy cơ ngập đối với những đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa là không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, lớn nhất là tại cụm đảo Lưỡi Liềm và Tri Tôn.
Những giải pháp ứng phó
Để đối phó với các hiểm họa nước biển dâng, nước ta đã và sẽ xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước trong vùng, giảm thiệt hại do nước gây ra. Thực tế cuộc sống cho thấy, vai trò của công tác thủy lợi có ảnh hưởng rất to lớn đến chất lượng nước của các vùng.
Vì thế, cần phải đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi đã có, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, thực hiện các dự án trong tương lai. Các biện pháp công trình kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long là làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Đê bao là những đường, những con đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế để các trận lũ lớn nước không tràn qua.
Việc xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông ở Việt Nam là rất cần thiết. Khi nước biển dâng cao, để bảo đảm an toàn cuộc sống của mọi người có thể làm “đê cứng” (bê tông cốt thép dày). Giải pháp dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên là “làm đê mềm” bằng cách “trồng rừng ngập mặn” ở tất cả những bãi sình lầy, những nơi có thể trồng được các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt, với chiều rộng từ 300 – 1.000m, phía bên trong là đê, kết hợp với đường giao thông. Cần xây dựng các “mô hình cụm và tuyến dân cư an toàn”; kết hợp với ao, hồ dự trữ nước ngọt ở những vùng đông dân, mà tương lai sẽ bị ngập sâu với cốt nền cao hơn mực nước năm 2100, chấp nhận “sống chung với nước dâng cao”.
Trước hết, phải kể đến các mô hình như tôn nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở. Hình thức thực hiện là tôn nền các cụm, tuyến dân cư cao hơn mức ngập lụt để xây dựng nhà ở. Trên cụm, tuyến dân cư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống người dân. Ở ven biển các tỉnh miền Trung, việc bảo vệ các rừng phi lao, rừng dừa chắn gió bão, chắn sóng và nước biển dâng là rất cần thiết để bảo vệ mùa màng và khu dân cư vốn nằm trên những vùng đất cát rất nhạy bén nước biển dâng.