BVR&MT – “Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây. Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu. Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tô. Gỗ vùng cao về xuôi xây đời mới…” – Lời mở đầu trong bài hát “Hà Giang quê tôi” của nhạc sỹ Thanh Phúc cách đây gần 50 năm đã thể hiện rõ một bức tranh muôn màu tại mảnh đất biên cương ngày nay.
Người dân đã “sống” được nhờ rừng
Trước đây nhắc đến Hà Giang nhiều người đã biết đến mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc như một bức tranh vẽ, trong đó có cột cờ Lũng Cú ở cực Bắc, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hay những điểm vãn cảnh nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì… Vài năm gần đây, thêm những mùa hoa Tam Giác Mạch khiến bức tranh nơi biên cương càng trở nên sắc nét và sẽ là tuyệt tác khi bức tranh ấy có những cánh rừng bạt ngàn xanh xuất hiện, những xe gỗ rừng sản xuất được chất đầy ngược quốc lộ về xuôi.
Không gì khác hơn, hàng nghìn người dân nơi đây như những “họa sỹ” đã bảo vệ bức tranh đã được thiên nhiên ban tặng, và thêm vào đó những “nét vẽ” khiến bức tranh trở nên hoàn hảo. Bởi trong bức tranh có những “nét vẽ” không chỉ tô đẹp thêm mà còn mang tính… phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi đem lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi cuộc sống của nhân dân. Nét vẽ ấy chính là “… rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu”.
Để biện chứng cho bức tranh đã đầy đủ các yếu tố trở nên “tuyệt tác” không thể thiếu màu xanh của rừng núi, theo tìm hiểu của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử được biết, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hà Giang là 791.488ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 588.068 ha, chiếm hơn 74% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh, trong đó diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh là 275.129,4ha/ 455.592 ha chiếm hơn 60% diện tích.
Rừng tại Hà Giang được quản lý và bảo vệ với 4 chủ rừng là tổ chức nhà nước quan lý bảo vệ 35.451,3ha và hơn 1.500 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn quản lý 239.678,1ha, do vậy ngành lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong việc ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Với diện tích rừng lớn và địa hình chia cắt mạnh, là đầu nguồn của những con sông lớn như: sông Lô, sông Gâm, sông Chảy và rất nhiều sông suối nhỏ nên Hà Giang có thế mạnh cho phát triển thủy điện, đây cũng chính là những đơn vị sử dụng DVMTR nhiều nhất ở Hà Giang. Hàng năm đầu tư cho Bảo vệ và Phát triên rừng của Hà Giang trung bình trong giai đoạn 2013 – 2016 là gần 40 tỷ đồng và được tăng dần theo các năm vì nhiều đơn vị sử dụng DVMTR đi vào hoạt động.
Ban đầu việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR người dân còn e ngại bởi lợi ích mà việc bảo vệ rừng mang lại. Tuy nhiên sau hơn 6 năm thực hiện, tại Hà Giang chính sách đã đi vào lòng dân, giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao trình độ và được nhiều người dân hưởng ứng thực hiện chính sách.
Cũng như nhiều địa phương khác có rừng trên cả nước, ngay sau khi Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được ban hành, ngày 29/11/2011 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch 143/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ, và kể từ đó đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều đổi thay bởi cách thực hiện, đóng góp của mỗi thôn, bản.
Một trong những “tác giả” của bức tranh này là ông Lù Xín Cái, thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, ông là một trong hàng ngàn hộ dân ở Hà Giang được giao khoán bảo vệ rừng và hưởng chính sách chi trả DVMTR, ông Cải cho biết: “Gia đình được giao khoảng 2ha, hàng năm ngoài việc được nhận tiền chăm sóc, bảo vệ rừng còn được vào rừng khai thác và sử dụng sản phẩm phụ trong rừng đó”.
Được biết, thôn Quang Tiến được quản lý hơn 300 ha rừng, trong đó có rừng sản xuất và rừng phòng hộ, mỗi hộ gia đình đều có bản cảm kết bảo vệ rừng đối với thôn và cán bộ kiểm lâm huyện, hàng năm nhận tiền do chính sách DVMTR chi trả.
Không chỉ mỗi hộ dân làm tốt nhiệm vụ giữ rừng và hưởng lợi từ rừng, tại Hà Giang mấy năm gần đây được nhiều người ở nhiều địa phương nhận tiền từ chính sách chi trả DVMTR đã góp nhau lại để có được những khoản tiền lớn. Điển hình như các hộ dân ở xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần đã xây dựng được quỹ lên đến hàng tỷ đồng, từ quỹ này sẽ cho các hộ nghèo trong thôn vay với lãi xuất thấp hoặc không lãi để phát triển kinh tế, mô hình này đã được nhân rộng toàn huyện, và mang lại hiệu quả cao.
Rừng giúp bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo
Chi trả DVMTR được thực hiện tốt, nên những năm gần đây tình trạng vi phạm Lâm luật đã giảm đi đáng kể, đáng chú ý là độ che phủ rừng và chất lượng rừng tăng. Năm 2012 tổng diện tích rừng toàn tỉnh Hà Giang là 447.907 ha đến năm 2016 diện tích rừng của tỉnh đã tăng lên 455.592ha, tăng 7.685ha.
“Các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR đã ngày một giảm, cụ thể là việc khai thác rừng trái phép năm 2012 là 28 vụ, năm 2015 chỉ còn 21 vụ và các vi phạm khác như cháy rừng, lấn chiếm rừng mỗi năm đều giảm từ 7 – 10 vụ/ năm, năm 2017 con số này không đáng kể” – Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Không chỉ giảm về các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, mà người dân còn có nguồn thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR thông qua công tác quản lý và bảo vệ rừng, tại Hà Giang có một số nơi mức được hưởng từ DVMTR còn cao hơn mức hỗ trợ ngân sách, có những nơi chi trả lên tới 440.000đ/ha như lưu vực thủy điện Nho Quế 3 ở huyện Mèo Vạc.
Từ đó bình quân thu nhập của các hộ được giao khoán bảo vệ rừng từ 1 – 2 triệu đông/hộ/năm, thậm chí có những vùng hộ nhận khoán có thu nhập 15 triệu đồng/ hộ/ năm như lưu vực thủy điện Nậm Mu, Nậm An, tại huyện Bắc Quang, và sắp tới những thủy điện Sông Lô 2, Sông Lô 4, Sông Lô 6 đi vào vận hành chắc chắn nguồn thu của bà con sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các hộ được nhận khoán bảo vệ rừng, một số thôn bản đã họp bàn thống nhất sử dụng tiền DVMTR để đầu tư cho các các công trình phúc lợi xã hội khác nhằm phục vụ lợi ích chung của thôn bản như xây trường học, nhà văn hóa, làm đường giao thông, xây trạm y tế…
Từ những thực tế trên cho thấy, việc chi trả DVMTR cùng với các nguồn thu khác đã góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng và từng bước góp phần thay đổi hệ thống giao thông nông thôn.
Nhờ vào DVMTR mà toàn tỉnh Hà Giang đã làm mới và tu sửa gần 40km đường giao thông nông thôn, tu sửa và xây dựng hơn 450 công trình là nhà văn hóa thôn, điểm trường tại các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần; Mua cây giống để trồng 35.000 cây, lập quỹ thôn giúp bà con phát triển kinh tế được hơn 10 tỷ đồng tại các huyện Xín Mần, Bắc Mê,…
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi về số vụ vi phạm, làm nương rẫy, phá rừng, cháy rừng giảm đáng kế, và đặc biệt là đã tạo được phong trào chung, tạo được mối liên kết cộng đồng, góm phần phát triển kinh tế, đổi thay ở nhiều vùng trong tỉnh”.
Lời chia sẻ của vị Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Nông – Lâm nghiệp khiến chúng tôi nhớ đến đoạn kết trong bài hát “Hà Giang quê tôi” của nhạc sỹ Thanh Phúc cách nay gần 50 năm “…Có đường đi trên mây lên tới cổng trời/ Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi/ Khắp vùng cao giờ đang thay đổi mới…”. Dù lời bài hát đã xuất hiện cách nay gần 50 năm, ấy thế mà những câu hát của nhạc sỹ như lời “tiên tri” của năm 2018.
Văn Hoàng