BVR&MT – Nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng hiện nay đang trở thành vấn đề cấp bách đối với toàn xã hội. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch cả về chất lượng và số lượng ngày càng cao.
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan nghiên cứu, quản lý nhà nước và hệ thống chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chúng ta đã từng bước hoàn thiện và chuyển giao các quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất rau an toàn ở các vùng trọng điểm rau lớn trong cả nước. Với mục tiêu sản xuất rau an toàn, tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn nhằm hình thành chuỗi liên kết bền vững để giám sát chất lượng rau từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển bền vững giữa người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp Viện Môi trường Nông nghiệp (MTNN) đã nhân rộng mô hình: “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại vùng trồng rau trọng điểm cung cấp cho thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cho các vùng trồng rau trọng điểm ở nước ta.
Dự án đã xây dựng được 12 mô hình áp dụng 1 trong 2 hình thức liên kết tổ chức sản xuất quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn (HTX sản xuất và kinh doanh; mô hình liên kết giữa nhóm hộ sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ) tại 4 tỉnh/ thành trồng rau trọng điểm cung cấp chủ yếu cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Mỗi tỉnh xây dựng lựa chọn hình thức liên kết phù hợp, quy mô từ 10- 13 ha rau chuyên canh/ tỉnh/ vụ/ năm, tùy thuộc vào điều kiện từng tỉnh (tương đương 285 ha gieo trồng); sản phẩm được giám sát và cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn rau an toàn; tăng thu nhập 15% cho người sản xuất rau và 15% cho người kinh doanh.
Bước đầu, người nông dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế” (QCVN 01:132 – 2013/BNNPTNT; kỹ thuật ứng dụng sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất rau an toàn; kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm phát thải trong sản xuất. Khi tham gia dự án bà con được hỗ trợ toàn bộ cây giống và 30% vật tư khác (phân bón, thuốc BVTV).
Sau hai năm thực hiện, dự án đã triển khai được 20 điểm trình diễn tại 4 tỉnh với 5 loại cây trồng: bắp cải, cà chua, dưa chuột, đậu ăn quả, cải ăn lá. Một số điểm điển hình như: Tổ HTX Liên Ấp, xã Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh: Trồng cà chua, cải bắp, đậu ăn quả; HTX Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh: dưa chuột, cải ăn lá, cà chua; HTX xã Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh: cải ăn lá, đậu ăn quả; HTX Anh Đào, Đà Lạt, Lâm Đồng: bắp cải, cà chua; Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, Đà Lạt, Lâm Đồng: cải ăn lá, dưa chuột, đậu ăn quả; Xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng (TP. Hồ Chí Minh): Cải ăn lá, dưa chuột, đậu ăn quả (35ha)…
Một số đơn vị liên kết tham gia tiêu thụ sản phẩm của mô hình: Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, công ty VinEco, thực phẩm sạch Quý Ngư (tiêu thụ sản phẩm của mô hình tại Hà Nội), công ty Hương Việt Sinh, công ty Tâm Phú, Trung tâm Hội nông dân Bắc Ninh (tiêu thụ các sản phẩm của mô hình Bắc Ninh). Công ty TNHH LOTTE Việt Nam, Công ty VinEco, HTX Ngã Ba Giòng, Mai Hoa, Siêu thị CoopMart, Siêu thị BigC, Công ty Thảo Nguyên Xanh) tiêu thụ sản phẩm các mô hình trong Lâm Đồng và TP. HCM.
Qua mô hình liên kết của dự án, các sản phẩm được các HTX và doanh nghiệp ký kết thu mua với giá cả ổn định trong năm và cao hơn giá thị trường từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Dù đa số các cây trồng trong mô hình của các điểm trình diễn đều có năng suất thấp hơn so với sản xuất đại trà, song giá bán cao hơn, chi phí sản xuất tiết kiệm được khoảng 9% và công lao động cũng giảm được khoảng 9% so với ngoài mô hình, qua đó nâng cao thu nhập cho bà con so với sản xuất truyền thống. Góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nhờ có nguồn cung cấp hàng hóa ổn định, giá rẻ hơn so với các nhà cung cấp trung gian, khách hàng tin tưởng hơn.
Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn rau an toàn theo QCVN 01:132-2013/BNNPTNT, một số đơn vị có điều kiện và được thêm sự hỗ trợ kinh phí của địa phương đã tiến hành đăng ký chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp giấy chứng nhận như HTX Đông Cao, (Tráng Việt, Mê Linh), HTX Anh Đào, Công ty TNHH Nông sản TP sạch Thảo Nguyên (Đà Lạt, Lâm Đồng). Qua đó cũng nâng cao được giá trị của sản phẩm khi đưa ra thị trường với giá cao hơn. Bà con nông dân và chính quyền địa phương đánh giá tốt mô hình của dự án và mong muốn được tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Sản phẩm của dự án bước đầu thông qua tuyên truyền, thăm quan, học tập trao đổi kinh nghiệm, đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, đón nhận và tin tưởng, từ đó giúp người sản xuất có thêm động lực để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình.
Hiệu quả thu được
Sản phẩm của mô hình đạt tiêu chuẩn rau an toàn được phân phối đến tay người tiêu dùng có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo sức khỏe người sử dụng.
Việc thiết lập các mối liên kết sản xuất, giám sát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm của mô hình đã bước đầu thay đổi nhận thức cho người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng trong việc cùng nhau phối hợp sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm rau an toàn, đảm bảo giá trị đích thực của sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tạo động lực cho người sản xuất và người kinh doanh. Góp phần thúc đẩy và nâng cao thị trường rau an toàn.
Người lao động được tập huấn về kỹ thuật canh tác an toàn, sử dụng phân bón và thuốc BVTV đúng cách, không chỉ tạo sự an toàn cho sản phẩm, cho người tiêu dùng mà còn an toàn cho sức khỏe của chính họ.
Đối với môi trường
Sản xuất rau theo quy chuẩn với việc kiểm soát các yếu tố đầu vào, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất giúp giảm rõ rệt các tác nhân gây ô nhiễm môi trường từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dư thừa. Việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong BVTV thay thế các thuốc hóa học độc hại, kết hợp với tăng cường ủ phân hữu cơ từ tàn dư thực vật vừa góp phần cải tạo, giảm suy thoái đất trồng, vừa góp phần giảm thiểu lượng chất thải hữu cơ ra môi trường, bảo vệ các loài thiên địch, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cộng đồng xung quanh.
Thay lời kết
Dự án phát triển chuỗi rau an toàn đã từng bước xây dựng được mối liên kết hiệu quả giữa các đơn vị sản xuất, giám sát và đơn vị tiêu thụ sản phẩm; Người sản xuất được đào tạo và áp dụng các kỹ thuật mới trong canh tác rau đảm bảo chất lượng an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, cho cộng đồng và bảo vệ môi trường. Các HTX và doanh nghiệp tham gia từng bước được nâng cao năng lực quản lý và giám sát nội bộ nhằm duy trì và phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn bền vững.
Qua đây, vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được người tiêu dùng quan tâm. Do đó, để người dân có thể an tâm sản xuất theo hướng an toàn thì vấn đề đầu ra, thị trường là điều quan trọng. Chính vì vậy, việc sản xuất theo chuỗi rau an toàn sẽ là hướng đi bền vững giúp người nông dân yên tâm sản xuất cũng như người tiêu dùng an tâm trong những bữa ăn của gia đình.
Thạch Thảo