BVR&MT – Từ một hộ dân nghèo, nhờ dám nghĩ, dám làm nên vợ chồng ông Đinh Văn Minh – bà Hoàng Thị Thanh ở ở xóm 12, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi, mở mang dịch vụ làm giàu ngay trên mảnh đất cằn khô nơi xã vùng cao của miền quê xứ Nhút.
Lâu nay người dân ở xóm 12, xã miền núi Thanh Hương đã quen với hình ảnh ngày ngày vợ chồng bà Hoàng Thị Thanh lên đồi chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng nhận khoán của gia đình mình. Công việc bận rộn, vất vả từ sáng đến tối nhưng vợ chồng ông rất vui bởi không như trước đây cuộc sống chỉ trong vào mấy sào ruộng khoán nên gặp rất nhiều khó khăn.
Phấn khởi đưa phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử dạo thăm mô hình trang trại của gia đình, đi giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, của vườn cây ăn quả, nhìn cơ ngơi sau 20 năm xây dựng của gia đình bà Thanh ông Minh, chúng tôi không khỏi cảm phục nỗ lực vươn lên từ gian khó của vợ chồng tuổi trung niên này. Ông Minh kể, năm 1997, sau khi đi rời quân ngũ, nhận thấy thế mạnh nơi quê nhà là kinh tế rừng, ông đã mạnh dạn nhận hơn 18ha đất rừng để trồng và khoanh nuôi bảo vệ, tạo nguồn thu nhập. Thời điểm đó, con nhỏ, nhân lực ít, việc ông vào vùng hẻo lánh để nhận gần 20ha đất rừng khiến nhiều người dè bỉu. Gia đình ông cũng kịch liệt phản đối. Thế nhưng, với bản chất anh bộ đội cụ Hồ, kiên quyết, cần cù, chịu khó, sáng tạo, đến nay ông đã có một cơ ngơi nhiều người mơ ước.
Ông Minh là hộ cá nhân đầu tiên trồng dám trồng 1ha chè công nghiệp tại xã Thanh Hương lúc bấy giờ. Thời điểm đó, 1 cành chè giống tương đương 0,5kg chè búp. Vậy mà ông khiến mọi người sửng sốt khi chặt hết 1ha bạch đàn để chuyển sang trồng chè. Cây chè ngày càng cho hiệu quả kinh tế và có lúc, ông sở hữu tới 5 – 6ha chè công nghiệp.
Có diện tích chè lớn, phong trào trồng chè trong vùng phát triển, sản lượng chè búp ế ẩm, bị ép giá, ông vội nắm lấy cơ hội và đầu tư hẳn một dây chuyền chế biến chè mini. Đến nay, xưởng chè vẫn duy trì, công suất chế biến 100 tấn chè tươi/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, đem lại nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
Khi đường Hồ Chí Minh chạy qua giữa vườn rừng, đất rừng của ông lên giá hẳn. Nhưng với tinh thần lá lành đùm lá rách, ông cho hai người hàng xóm mỗi người 2ha và chỉ lối làm ăn cho họ. Diện tích còn lại, một phần ông trồng keo.
Đất tốt nên cây keo sinh trưởng và phát triển nhanh, đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được 2 chu kỳ, năng suất đạt gần 200 tấn/1ha. Ngoài trồng keo, ông còn chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên đã được giao khoán.
“Thực sự tôi thấy ở miền núi thì chỉ có trồng rừng, bảo vệ rừng mới đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài. Trồng rừng rất có lợi cho toàn xã hội, nó như một lá phổi xanh cho tòan dân để hưởng thụ môi trường trong lành, vì thế cho nên gia đình tôi mới đẩy mạnh công tác trồng rừng, chỗ nào còn hở đất là tôi trồng, trồng chưa biết đến khi nào sẽ cho thu hoạch, nhưng cứ phải trồng kín rừng”- ông Minh chia sẻ.
Lợi dụng khe nước chảy qua vườn rừng, ông ngăn dòng nuôi cá giống. Theo ông Minh, nuôi cá giống cần tỉ mỉ, cẩn thận nhưng cần ít lượng thức ăn, lợi nhuận cao hơn nhiều nuôi cá thịt. Bình quân, mỗi năm ông bán gần 2 tấn cá giống, lãi gần 100 triệu đồng.
Không dừng lại, ông du nhập giống măng Bát độ về trồng. Đến nay có 75 gốc kinh doanh măng thương phẩm. Dự tính đến năm 2018, số gốc măng cho măng thương phẩm sẽ tăng lên 180 gốc. Ngoài bán măng thương phẩm, ông Minh còn chiết măng giống bán. Bình quân, mỗi gốc măng ông chiết được 15 – 20 cây măng giống/năm, thu về 300 – 400 nghìn/gốc/năm. Tính ra, từ cây măng, mỗi năm ông cũng thu về trên dưới 100 triệu đồng.
Có nguồn vốn kha khá nên ông Minh không bị động mỗi khi đàn vật nuôi rớt giá. Trong trang trại luôn có từ 40 – 50 con dê cỏ thương phẩm và vài chục con dê sinh sản. Từ đàn dê, mỗi năm ông cũng thu về trên dưới 100 triệu đồng; gần 10ha keo, thu hoạch “cuốn chiếu” thu về trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Mới đây, ông Minh đã trồng thử nghiệm hàng trăm gốc hồng không hạt, một giống hồng còn khá xa lạ với người dân vùng đất này. Sự thử nghiệm này bước đầu đã cho thành quả nhất định. Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Minh vẫn hăng hái sẽ học hỏi để ghép thành công giống hồng này để cung ứng cho thị trường.
Theo ông Thanh, làm kinh tế trang trại, làm vườn rừng không thể đốt cháy giai đoạn để đầu tư ào ạt. Điều quan trọng vẫn là lấy ngắn nuôi dài, cần phải có cái nhìn xa nhưng luôn phải biết “đi trước”.
“Người tiên phong trong kinh tế, hoặc sẽ thất bại thảm hại hoặc sẽ phất lên rất nhanh. Nhưng nếu là một người tiên phong thì mọi bước đi đều phải thận trọng, phải đoán biết thị trường tiêu thụ sản phẩm để không rơi vào tình trạng đầu tư lớn, thu lãi nhỏ giọt. Nếu toàn bộ diện tích tôi đổ vào trồng keo, đương nhiên sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng cây keo chí ít cũng 5 – 6 năm mới cho thu hoạch. Khoảng thời gian ấy lấy gì để nuôi cả gia đình, chưa kể khi cây keo rớt giá? Một khi đã thất bại con người rất dễ nản chí”, bà Thanh chia sẻ.
“Ở Thanh Hương phong trào trồng rừng rất mạnh, xuất hiện nhiều hộ trồng rừng giỏi, nhưng điển hình trồng rừng thì phải nói đến hộ gia đình ông Minh bà Thanh. Đây là một gia đình đi đầu trong phong trào này, vừa kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, mà đặc biệt là trồng và bảo vệ rừng tự nhiên. Từ mong muốn “góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc xóa đất trống đồi núi trọc, giữ màu xanh cho quê hương”, hộ gia đình ông Minh bà Thanh đang là một nhân tố điển hình ở xã Thanh Hương với những việc làm và thành quả bảo vệ rừng đáng trân trọng.”- ông Nguyễn Văn Tư, chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thanh Hương đánh giá.
Có thu nhập ổn định, 4 đứa con ông đều được ăn học nên người và phần lớn đều cùng bố mẹ tiếp tục sự nghiệp trồng rừng và chế biến chè. Con trai trưởng của ông bà là Đinh Văn Trường, nhân vật trong chương trình “Sinh ra từ làng” phát sóng trên VTV6 là một người được đào tạo bài bản trong ngành thú y và trở về làm việc tại quê hương.
Với sự năng nổ, nhiệt huyết, một tấm gương trong làm kinh tế vườn rừng, 17 năm nay, bà Thanh là một trong những tấm gương phụ nữ xây dựng quê hương thoát nghèo của huyện, còn ông Minh là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm 12. Tháng 9/2017, ông được bầu đi dự Đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An lần thứ IV.
Ngoài phát triển kinh tế trang trại, ông Minh còn là một cựu chiến binh được nhân dân tín nhiệm, quý mến. Ông luôn là tấm gương sáng về lối sống, đạo đức, tích cực tuyên truyền tới người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Với cương vị của mình, ông bà thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia công tác trồng, bảo vệ rừng. Từ những tấm gương tiên phong, giàu nhiệt huyết như ông Đinh Văn Minh bà Hoàng Thị Thanh đã lan tỏa tới bà con nhân dân, tác động tích cực vào phong trào trồng rừng trong toàn xã, nhiều năm qua, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng luôn mang tính ổn định và bền vững. Góp phần tăng độ che phủ của rừng ở Thanh Chương từ 72% lên 78% như hiện nay.
Đình Nguyên