BVR&MT – Với chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta”, Cung Thị Nhung – sinh viên Khoa Địa Lý (Trường Đại học Vinh) đã xuất sắc vượt qua hơn 500 tác phẩm dự thi và giành giải Nhất cá nhân cuộc thi “Biến đổi khí hậu và cuộc sống” năm 2017 với tác phẩm “Mỗi con người – Một hành động – Một nhận thức”.
Những trăn trở của cô sinh viên Đại học Vinh
“Biến đổi khí hậu với cuộc sống” là cuộc thi do Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức hằng năm, dành cho tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Với chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta”, sinh viên Cung Thị Nhung (xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã gửi tác phẩm viết có tên “Mỗi con người – Một hành động – Một nhận thức” để tham dự. Tác phẩm đã vinh dự được nhận giải Nhất cá nhân.
Sau hơn 3 tháng phát động cuộc thi, sáng 24/12, tại Hội trường trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Biến đổi khí hậu và cuộc sống” năm 2017. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm, dành cho tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
Với chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta”, nữ sinh Cung Thị Nhung, quê ở huyện Yên Thành đã gửi tác phẩm viết có tên “Mỗi con người – Một hành động – Một nhận thức” để tham dự. Tác phẩm đã vinh dự được nhận giải Nhất cá nhân.
Chia sẻ cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, Cung Thị Nhung cho biết: “Mình rất vui và xúc động khi đạt giải. Thật ra, mình tham dự cuộc thi này là vì em gái mình. Em gái mình đã mất do cơn bão số 10 vừa qua, qua đó, mình cảm nhận rõ hơn bao giờ hết những mất mát mà thiên tai mang lại cho gia đình nói riêng và quê hương nói chung”.
Tác phẩm dự thi của Nhung mở đầu bằng những dòng chữ đầy cảm xúc: “Vùng quê nghèo Miền Trung chiều nay trắng xóa mênh mông nước, còn lại gì ngoài tiếng khóc tang thương, xa xa chỉ còn những nóc nhà trơ trọi, những ngọn cây xơ xác tiêu điều. Tài sản trôi lênh đênh giữa dòng nước lũ. Đớn đau, tuyệt vọng“!
“Dải đất hẹp Miền Trung chưa bao giờ hết khổ, mảnh đất “đòn gánh” này luôn chịu nhiều đau thương, thua thiệt nhất giống như cái tên của nó. Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết nỗi đau đó. Có lẽ, bây giờ nếu có một điều ước tôi chỉ ước được sống như ngày xưa, khi chúng tôi hòa hợp với thiên nhiên, hằng ngày nghe tiếng chim hót, được hít thở những làn khói trong lành, được ngắm nhìn cánh đồng yên bình trong màu xanh của sự tươi tốt, được lắng nghe những tiếng cười đùa nghịch ngợm trong ngôi nhà nhỏ hạnh phúc bên gia đình, bên cha mẹ, bên các em của mình.
Những khoảnh khắc tưởng chừng giản đơn ấy đã khiến tôi nhớ lại và thèm khát hơn bao giờ hết trong nỗi đau tột độ khi cũng chính thiên tai đã cướp đi sinh mạng người em gái bé bỏng của mình khi em đang mang bao hoài bão và ước mơ tuổi thanh xuân vẫn còn dang dở“…
Trong bài dự thi, với tư cách là một sinh viên ngành sư phạm Địa lý, Nhung cũng đưa ra nhiều kiến giải khá sắc sảo, cùng một số giải pháp để khắc phục thực trạng biến đổi khí hậu. Bài dự thi được ban tổ chức đánh giá cao.
Những dự án ấp ủ
Cô gái với dáng người nhỏ nhắn, nụ cười tươi, thân thiện và gần gũi là những ấn tượng ban đầu của chúng tôi về cô gái này. Tác phẩm dự thi “Mỗi con người – Một hành động – Một nhận thức” của Nhung mở đầu bằng những dòng chữ đầy cảm xúc: “Vùng quê nghèo Miền Trung chiều nay trắng xóa mênh mông nước, còn lại gì ngoài tiếng khóc tang thương, xa xa chỉ còn những nóc nhà trơ trọi, những ngọn cây xơ xác tiêu điều. Tài sản trôi lênh đênh giữa dòng nước lũ. Đớn đau, tuyệt vọng…Dải đất hẹp Miền Trung chưa bao giờ hết khổ, mảnh đất “đòn gánh” này luôn chịu nhiều đau thương, thua thiệt nhất giống như cái tên của nó. Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết nỗi đau đó”…
Nhung cho biết, bản thân biết đến cuộc thi thông qua trang web của trường nhưng ban đầu Nhung chỉ tải về để trong máy tính, rồi guồng quay bận bịu của cuộc vừa đi học, vừa làm thêm đã cuốn cô sinh viên năm cuối quên bẵng đi. Rồi một biến cố ập đến gia đình Nhung vào một sáng mùa thu, khi cơn bão số 10 càn quét qua ngôi làng nhỏ, đã cuốn em gái vừa tròn 17 tuổi của Nhung vĩnh viễn rời cõi trần. Trước sự ra đi đột ngột của người em gái ngoan hiền, Nhung đã nghĩ tới cuộc thi Biến đổi khí hậu, em tham gia cuộc thi với mong muốn được góp sức mình trong công cuộc bảo vệ môi trường, để không còn cảnh, bố mẹ gào khóc gọi tên con trong vô vọng, gia đình mất người thân như gia đình Nhung phải hứng chịu hậu quả của cơn bão số 10 vừa qua. Nhung tâm sự: “Hơn bất cứ ai, em cảm nhận rõ những mất mát, đớn đau thiên tai đem đến cho gia đình mình, cho làng quê như thế nào. Để giảm thiểu sự tàn phá của thiên tai, chúng ta cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm với môi trường”.
Là sinh viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành Địa lý – Quản lý tài nguyên nên hơn ai hết, Nhung hiểu rõ thực trạng mối quan hệ giữa các thành phần địa lý và hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của con người như thế nào. Bài dự thi của Nhung được BTC đánh giá cao bởi tính khả thi, khả năng áp dụng vào thực tiễn của nó. Trong bài dự thi của mình, Nhung đưa ra một số giải pháp khắc phục sạt lở đất ở các tỉnh miền núi, có thể áp dụng những biện pháp sau: Tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, những nơi có địa chất không ổn định ở các tỉnh miền núi (sử dụng công nghệ Gis – Viễn thám để tiến hành); Lập bản đồ sử dụng đất với mục đích bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật; Sửa bề mặt mái dốc (làm thay đổi hình dạng bên ngoài của mái dốc) với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng, hạn chế khả năng trượt bằng các cách: Hạ thấp mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo nhiều bậc thang theo sườn dốc; xây dựng hệ thống các rãnh thoát nước ở các độ cao khác nhau, với một số điểm trượt lớn, phức tạp, cần kiên cố hóa rãnh đỉnh, rãnh dọc, bậc nước, máng dốc nước và cống thoát nước…
Nữ sinh viên năm cuối trường ĐH Vinh bộc bạch: Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, chính ý thức của con người chúng ta đã, đang và sẽ đẩy biến đổi khí hậu ngày càng đi nhanh hơn. Bởi vậy, “Mỗi con người – mỗi nhận thức – mỗi hành động”, góp sức cho công tác bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống chính bản thân mình, người thân mình và những người xung quanh. Đặc biệt, thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước, nhất là các bạn sinh viên, cần được cung cấp kiến thức, đầy đủ, phải bắt đầu từ những hiểu biết nhỏ dẫn tới những hành động lớn, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp hơn. Nhung mong muốn sau này sẽ trở thành giáo viên để thông qua việc dạy học sẽ cung cấp cho học sinh của mình những kiến thức về môi trường, từ đó tuyên truyền tới mọi người dân về nâng cao nhận thức, trách nhiệm để bảo vệ môi trường tốt hơn.
Đình Nguyên