Ước mơ từ ngôi trường vùng cao Mường Khương

BVR&MT – Tả Gia Khâu là xã nghèo nhất trên địa bàn huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Các em học sinh ở đây thường phải đi bộ 5 – 15 km đường đồi núi đến trường. Năm học mới đã bắt đầu được gần ba tháng, nhưng nhiều em vẫn chưa có đồ dùng học tập, hay đáng ngại hơn là thiếu cả những chiếc áo ấm khi mùa đông đang tới gần.

Những ngôi trường “trên mây”

Từ TP. Lào Cai, sau khi đi dọc theo Quốc lộ 70 khoảng 15 km, chúng tôi rẽ vào Quốc lộ 4D để đi tiếp lên huyện Mường Khương. Quãng đường hơn 50 km với những khúc cua quanh co, bó hẹp từ trung tâm TP. Lào Cai đến với một trong ba huyện thuộc diện triển khai thực hiện Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 30a) khiến một vài thành viên trong đoàn tỏ ra nôn nao, khó chịu. Thế nhưng, đây mới chỉ là phần dễ nhất trong hành trình đến với những ngôi trường vùng cao tại ba xã Tả Ngài Chồ, Dìn Chin và Tả Gia Khâu mà chúng tôi đang hướng tới.

Các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu nhận sách vở, dụng cụ học tập từ đoàn tình nguyện.

Chẳng phải tự nhiên mà nhiều “phượt thủ” chuyên nghiệp đưa những cung đường tại Mường Khương vào danh sách các địa điểm cần trải nghiệm. Nằm ở độ cao trung bình gần 1.000 m so với mực nước biển, hệ thống đèo, dốc của Mường Khương có thể làm nản lòng những tài xế “cứng tay” nhất. Quên mất rằng đang được tham quan mảnh đất vùng cao với đặc sản ớt Mường Khương nổi tiếng, quên cả những thửa ruộng bậc thang ngút mắt, nhiều người trong chúng tôi bất giác nắm chặt thành ghế mỗi khi xe chầm chậm “bò” qua những khúc cua không có ta luy chắn và chỉ đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Sau hơn 30 km đường quanh co, chật hẹp với hàng chục khúc cua tay áo đúng với tên gọi Tả Gia Khâu – “yên ngựa lớn”, hai ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Tả Gia Khâu hiện ra trong làn mây mỏng cuối thu.

Ấn tượng đầu tiên và cũng dễ nhận thấy nhất, đó là các em học sinh ở đây rất ngoan. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ, nhưng em nào cũng lễ phép, khoanh tay chào từng người trong đoàn chúng tôi. Thăm ngôi trường bán trú nơi vùng cao, tôi không khỏi chạnh lòng khi bước vào những căn phòng ngủ nhỏ bé. “Ngôi nhà thứ hai” của các em đơn sơ, giản dị đến không ngờ. Mỗi phòng có khoảng 3 – 4 chiếc giường tầng bằng sắt tây cũ kỹ, lót lớp đệm mỏng bằng ruột chăn bông bạc mầu. Mùa đông sắp tới, nghĩ tới việc các em sẽ phải chống lại cái lạnh cắt da của vùng cao chỉ với những tấm chăn đã sờn kia, chúng tôi bất chợt nhìn nhau không nói nên lời.

Phòng ở bán trú của các em học sinh vùng cao.

Qua chia sẻ của các thầy cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu, chúng tôi được biết, phần lớn các em học sinh được gia đình đưa đến trường trong hoàn cảnh “tay không”: không sách giáo khoa, không dụng cụ học tập, không đồ dùng sinh hoạt và thậm chí không đủ quần áo mặc hằng ngày. Ngoài việc thiếu hụt kiến thức thông thường về việc “đi học cái chữ”, hầu hết các gia đình tại đây không có khả năng trang bị cho con em mình những đồ dùng, dụng cụ học tập, sinh hoạt tối thiểu. Do đó, bên cạnh nguồn ngân sách còn eo hẹp từ nhà trường, các thầy cô giáo chỉ còn biết trông chờ sự giúp đỡ từ các tổ chức, nhà hảo tâm. Tuy nhiên, không giống như nhiều huyện vùng cao lân cận như Bắc Hà hay Si Ma Cai… Mường Khương nói chung và Tả Gia Khâu nói riêng vẫn còn là cái tên lạ lẫm với những người ưa thích du lịch, khám phá.

Trò chuyện với các thầy cô giáo, chúng tôi phần nào hiểu được sự khó khăn của việc “gieo chữ” ở xã nghèo nhất huyện Mường Khương. Trong trăm sự thiếu thốn, vấn đề nước sinh hoạt vẫn là “bài toán khó” bao năm nay chưa giải được. Mặc dù chỉ nán lại trường trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, nhưng chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến các cô giáo dùng xe máy mang từng can nước ngọt về cho cả cô và trò dùng sinh hoạt hằng ngày. Khi được hỏi, các cô tươi cười cho hay: “Bể chứa nước ở gần đây lắm”. Thế nhưng, ít người biết rằng, nguồn nước ngọt sử dụng được gần trường nhất cũng đến 10 km…

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi tiếp xúc với các em học sinh Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu, tôi đặc biệt chú ý đến Li Tháng Hà. Ở thời điểm điểm mùa đông đang về trên vùng cao của huyện Mường Khương, cậu học sinh lớp chín Li Tháng Hà chỉ mặc độc một manh áo sơ mi đã bung hết cúc chỉ, bên trong là chiếc áo thun lấm bùn đất. Sau hồi lâu bẽn lẽn, Hà mới cho biết, gia đình em hiện chỉ còn ba chị em sống với nhau, bố mẹ đều đã mất do bệnh hiểm nghèo. Nhìn xuống bàn chân bé nhỏ trong đôi dép tổ ong cũ rách đã ngả mầu, tôi không khỏi ái ngại khi biết rằng cậu bé người dân tộc Thu Lao hằng tuần đều đi bộ gần 7 km đường đồi núi để đến trường học chữ.

Bố mất sớm lúc Hà còn nhỏ, mẹ cũng vừa qua đời, Hà và em gái năm nay mới chín tuổi chỉ còn biết trông vào người chị cả. Thế nhưng, trọng trách gia đình dường như quá nặng trên đôi vai cô gái dân tộc Thu Lao mới hơn 20 tuổi. Không bằng cấp, không kiến thức, nguồn thu từ mỗi buổi làm ruộng thuê của chị gái không đủ trang trải cho hai em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Hoàn cảnh éo le của gia đình khiến ước mơ tưởng rất đỗi bình thường của Hà trở nên vô cùng khó khăn. Cậu bé nói nhỏ nhưng rành rọt: “Em chỉ mong sao năm sau được tiếp tục đi học. Bố mẹ mất rồi, không ai trả tiền học cho em”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Sền Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu cho biết, Tháng Hà từ trước đến nay vẫn là học sinh ngoan. Bố mất từ nhỏ, nhưng em luôn cố gắng trong học tập, lễ phép với thầy cô, chan hòa cùng bạn bè. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hà, nhà trường đã tổ chức quyên góp, giúp đỡ bằng tiền mặt. Ngặt nỗi, ở thời điểm mẹ Hà qua đời, gia đình em lại không thuộc diện hộ nghèo, nên các cơ quan chức năng tạm thời chưa thể làm các chế độ, chính sách phù hợp.

“Để em Hà không phải bỏ dở việc học, chúng tôi sẽ xem xét và có kiến nghị lên Sở GD&ĐT về trường hợp của em. Nhà trường sẽ có những biện pháp tạm thời, giúp đỡ em vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt”, Hiệu trưởng Sền Quang Hợp chia sẻ.

Nhận tấm áo ấm từ đoàn tình nguyện, Hà vui lắm. “Em sẽ học thật chăm, để mai này giúp thôn mình không còn cảnh đói nghèo, các bạn cũng không phải chịu rét mỗi mùa đông nữa!” – Hà bộc bạch.

Rời Tả Gia Khâu trong ánh hoàng hôn nhá nhem dần bị mây mù che phủ, tôi không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những câu nói ngây thơ rất đỗi chân thật của cậu bé học trò dân tộc Thu Lao nghèo mà ham học. Mong rằng mai này, với sự giúp đỡ của cộng đồng, những nhà hảo tâm, Hà sẽ có cơ hội được tiếp tục học tập, lao động, trở thành người công dân tốt, xây dựng bản làng giàu đẹp như những gì em ước mơ.

BVR&MT –