BVR&MT – Với giá thị trường thời điểm hiện tại dao động từ 1,5 – 5 triệu đồng/kg, cây chè hoa vàng đang giúp người dân các xã Thông Thụ, Tiền Phong, Châu Kim, Hạnh Dịch, Đồng Văn … huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có nguồn thu nhập cao mỗi năm.
Chè hoa vàng giá đắt như “vàng”
Chúng tôi đến huyện Quế Phong vào một ngày nắng đẹp khi đất trời vào Xuân, vùng đất miền Tây xứ Nghệ được gọi là thủ phủ của cây chè Hoa Vàng.
Anh Sầm Văn Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho hay, dù địa bàn rộng lớn, nhưng cây chè hoa vàng chỉ mọc ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim, còn các xã khác thì không có. Theo tiếng Thái, chè hoa vàng được gọi là Cỏ Tắp Quái, một loại cây thân gỗ nhỏ cao từ 2 – 5m, giống với cây chè. Cây chè hoa vàng thường sinh trưởng và phát triển trên những vùng núi cao, mùa ra hoa của chúng kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau (Âm lịch). Hoa chè có màu vàng, đỏ và trắng (phần lớn là màu vàng), với đường kính 5 – 6 cm nên được gọi là chè hoa vàng. Cây chè hoa vàng có chứa hàng trăm thành phần dinh dưỡng, là loại dược liệu quý.
Chiếc xe gắn máy đưa chúng tôi đi qua một con đường nhỏ hẹp, một bên là suối, một bên là núi và có tới vài chục khúc cua tay áo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, giữa bề bộn chè hoa vàng vừa thu hái,… Bà Lương Thị Xuân, bản Na Chạng, xã Tiền Phong cho hay, “Gần 1 tháng nay, từ sáng sớm cả gia đình bà đã đùm cơm, mang gùi lên núi để thu hái chè hoa vàng. Nếu may mắn gặp khu vực có nhiều cây thì một ngày gia đình bà cũng thu hái được khoảng từ 0,8 – 1kg hoa và cho thu nhập hơn 1 triệu đồng”. Không chỉ bà Xuân mà hàng trăm hộ dân tại xã Tiền Phong hàng ngày cũng kéo nhau lên núi để săn tìm loài hoa này để về bán lại cho thương lái. Tuy nhiên, để thu hái được chè hoa vàng không phải là điều đơn giản, người dân phải mất nhiều giờ băng rừng, lội suối mới đến được khu vực loài cây này sinh sống.”
“Cây chè hoa vàng là loại cây quí hiếm, hoa có tác dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế cao nên người dân ở đây đã thử trồng một vạt nhưng thất bại. Là người địa phương, nhiều năm đã từng đi rừng tìm loại hoa này gom lại đem bán nên hơn ai hết bà biết công dụng và giá trị của chè hoa vàng. Tuy nhiên số hoa trà hái được trong rừng chẳng thấm tháp gì so với sức mua nên bà và người dân trong làng đã quyết định trồng loại cây này” bà Xuân cho biết thêm.
Vừa qua, tại xã Đồng Văn, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An đã tổ chức xây dựng vườn ươm cây chè hoa vàng tại khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra được nguồn cây giống để giúp bảo tồn nguồn gen và cung cấp cho người dân địa phương. Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền các địa phương có cây chè hoa vàng thì việc mở rộng diện tích đang gặp nhiều khó khăn, vì loài cây này rất “khó tính”. Ngoài việc chưa chủ động được nguồn cây giống, thì quỹ đất đai để trồng chè cũng là một vấn đề cần phải giải quyết.
Trước giá trị kinh tế lớn của cây chè hoa vàng, tháng 4/2016, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có cây chè hoa vàng. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 phấn đấu trồng được 5 ha cây chè hoa vàng. Riêng năm 2017 mục tiêu trồng được 1 ha, nhưng đến nay đã trồng được 0,5 ha.
Theo bà Vi Thị Miên, trú tại bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch, khi thu hái được chè hoa vàng người dân phải cho vào ống tre nứa, dùng lá cây nút lại để đảm bảo sự tươi ngon. Do người dân địa phương không có dụng cụ và công nghệ để chế biến nên thường bán nguyên liệu tươi cho thương lái.
Bà Sầm Thị Thanh, chủ cơ sở thu mua, chế biến chè hoa vàng và các loại dược liệu Thanh Hải, có địa chỉ tại khối 1, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong cho biết: Giá thu mua của chè hoa vàng tùy thuộc vào chất lượng của sản phẩm. Loại 1 có giá từ 3 – 5 triệu đồng/kg, loại 2 có giá từ 2 – 3 triệu đồng/kg, loại 3 có giá từ 1.5 – 2 triệu đồng/kg. Còn hoa chè khô có giá từ 5 – 8 triệu đồng/kg, loại đã qua chế biến có thể lên đến 12 triệu đồng/kg.
Ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, do có giá trị kinh tế lớn nên người dân đã tận dụng thời gian, cùng nhau lên rừng để thu hái chè hoa vàng, vì cây này chủ yếu mọc ngoài tự nhiên. Gần đây, một số hộ dân người địa phương có mang giống cây này từ trên rừng về trồng ở vườn nhà, nhưng tỷ lệ sống không cao. Theo ông Toàn, khi pha nước chè hoa vàng uống thì thấy tiêu hóa tốt và rất nhanh đói bụng.
Quyết tâm sống chết cùng giống cây chè quí, người dân Quế Phong ngày đêm thu lượm kiếm nguồn thu nhập. Những ngày này người dân các xã Thông Thụ, Tiền Phong, Châu Kim, Hạnh Dịch, Đồng Văn … huyện Quế Phong đều “cửa đóng then cài” lên núi thu hoạch chè hoa vàng cho kịp thời vụ, không khí vui hệt như ngày hội.
Thu mua tận diệt, nỗi lo bảo tồn nguồn gen quý
Sau khi công bố giá trị của cây chè hoa vàng, các xã có cây chè hoa vàng cũng đang tích cực vận động người dân bảo vệ và phát triển loại cây này. Anh Lô Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: Hàng năm trong nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển xã hội của địa phương đều được nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ và phát triển cây chè hoa vàng. Mới đây, xã cũng đã cho người dân ký cam kết không phá hoại cây chè hoa vàng, coi đây là cây đặc sản quý mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương. Hiện nay trong toàn xã, hộ trồng được nhiều chè nhất có gia đình ông Sinh, nhiều hộ khác cũng bắt đầu học theo, tìm chè con về trồng trong rẫy của mình.
Tại xã Đồng Văn, Sở KH&CN đã tổ chức xây dựng vườn ươm cây chè hoa vàng tại khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na, đây được kỳ vọng sẽ tạo ra được nguồn cây giống để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên điều khó khăn nhất theo chính quyền các địa phương có cây chè hoa vàng là việc mở rộng diện tích để trồng chè hoa vàng. Ngoài việc chưa chủ động được nguồn cây giống (phụ thuộc vào việc tìm cây con trong rừng đem về), thì quỹ đất đai để trồng chè cũng là một vấn đề cần phải giải quyết.
Trước giá trị kinh tế lớn của cây chè hoa vàng, năm 2016 UBND huyện Quế Phong đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020, trong đó có cây chè hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5 ha cây chè hoa vàng. Riêng năm 2017 mục tiêu trồng được 1 ha, đến nay đã trồng được 0,5 ha cây chè hoa vàng. Điều này cho thấy rằng, để phát triển được cây chè hoa vàng không phải là việc làm đơn giản. Chưa kể mới đây có tình trạng thương lái vào thu mua thân, rễ, lá chè hoa vàng với giá cao, đã gây ra những bất ổn, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn của huyện.
Bà Lương Thị Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết: “Trước tình trạng người dân đào gốc, thân và lá bán cho thương lái, UBND xã đã cho người dân ký cam kết; đồng thời tiến hành quy hoạch, bảo tồn gần 3ha cây chè hoa vàng tại khu vực rừng do xã quản lý. Thời điểm hiện tại, đang là mùa chính vụ nên bà con nông dân đang cùng nhau lên núi “săn” chè hoa vàng bán để tăng thu nhập.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng huyện Quế Phong thì mỗi vụ ra hoa, người dân trên địa bàn huyện thu hái được khoảng 5 tấn nguyên liệu, bán với giá tương đương gần 10 tỷ đồng.
Ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Trước thông tin tại một số xã xảy ra hiện tượng người dân vào rừng đào gốc, chặt cây chè hoa vàng để bán cho thương lái, huyện đã phải làm công văn hỏa tốc yêu cầu các xã, các chủ rừng và đơn vị liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng đào gốc, chặt phá cây chè hoa vàng để bán. Giao cho các xã phải kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các đối tượng mua bán gốc, cây chè hoa vàng để nhắc nhở, xử lý nghiêm. Đồng thời họp tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không đào gốc, chặt phá cây chè hoa vàng.
Ông Minh cũng cho biết, dù huyện đã có đề án phát triển cây dược liệu, nhưng để thành công thì đòi hỏi phải tạo ra được chuỗi sản xuất khép kín, từ nuôi cây giống, trồng chăm sóc, thu mua chế biến và thị trường tiêu thụ. Điều này cần khuyến khích nhà doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng việc thu hút doanh nghiệp lại đang rất khó khăn. Vì thế hiện nay bà con chủ yếu đang khai thác và bán chè hoa vàng dưới dạng thô cho thương lái giá trị thấp hơn nhiều lần so với chè hoa vàng sau khi đã được chế biến thành phẩm. Hơn nữa, điều làm huyện băn khoăn là khi phát triển đại trà thì liệu giá chè hoa vàng có cao như hiện nay không. Vì thế, trước mắt huyện đang quan tâm khuyến khích các hộ dân bảo tồn những khu vực đã có chè, vùng nào có mật độ dày thì hỗ trợ chính sách khoanh nuôi để bảo vệ, đồng thời khuyến khích các hộ đào chè về trồng dặm bổ sung thành vùng tập trung theo quy hoạch để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, từ đó mới thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư.
Những năm gần đây, qua sự theo dõi của các cơ quan chức năng huyện Quế Phong cho thấy, trước mùa ra hoa thương lái các nơi lại tìm về địa phương thu mua gốc, thân và lá của cây chè hoa vàng, với giá khá cao từ 30 – 70 nghìn đồng/kg.
Do điều kiện kinh tế khó khăn và kém hiểu biết, nhiều bà con nông dân đã từng kéo nhau lên núi tìm đào cả gốc, mang cả thân và lá cây chè hoa vàng về bán cho tư thương. Hiện tượng này khiến cây dược liệu quý hiếm này đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Trước tình hình đó, ngày 27/3/2017, UBND huyện Quế Phong đã ban hành công văn hỏa tốc gửi UBND các xã, thị trấn, các phòng nghành liên quan và các chủ rừng trên địa bàn về việc tăng cường tuyên truyền, quản lý và bảo vệ cây chè hoa vàng.
Ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, xã đã tổ chức họp dân để tuyên truyền người dân có ý thức khai thác đúng cách và bảo vệ cây chè hoa vàng. Do nhận thức được vấn đề nên hiện nay, tình trạng đào gốc, thân và lá cây chè hoa vàng để bán cho tư thương đã chấm dứt. Ngoài ra, trong quá trình thu hái hoa, người dân đã có ý thức dùng thang trèo lên cây thay vì dùng dao chặt hạ gốc như trước đây.
Ông Mong Văn Nga, Chủ tịch Hội đông y huyện Quế Phong cho biết: Chè hoa vàng có tác dụng giúp hưng phấn thần kinh, lợi tiểu mạnh, giải độc gan và thận, ngăn ngừa xơ vữa động mạnh máu, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn, giúp hạ huyết áp, phòng ngừa ung thư và ức chế sự phát triển của các khối u khác. Ngoài ra, lá chè còn có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và duy trì trạng thái bình thường của tuyến giáp.
Đình Nguyên