BVR&MT – Nói đến hành trình vươn lên xóa đói, giảm nghèo của đồng bào xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa), không thể không nhắc đến công sức cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5. Bao năm qua, các anh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, mà còn giúp bà con biến nơi lưng chừng trời này thành những “vựa ngô”, “thung lũng bò” – đặt nền móng cho sự ổn định, phát triển kinh tế.
Đi đến các bản làng xã Pù Nhi hôm nay, đâu đâu cũng ngút ngàn màu xanh của những khu rừng luồng, rừng xoan, nương ngô, những chú bò vàng lững thững ăn cỏ bên sườn đồi, cho thấy một cuộc sống yên bình nơi vùng biên này.
Có được sự đổi thay như ngày hôm nay, theo ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, là nhờ sự giúp sức của các ngành, các cấp trong đó có một phần lớn công sức của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế – quốc phòng 5. Ông Nhân kể cho tôi nghe, những năm trước đây Pù Nhi là một trong những điểm nóng về các loại tệ nạn như, ma túy, di dịch cư tự do, cuộc sống nhân dân hết sức nghèo đói chủ yếu dựa vào việc phá rừng làm nương rẫy. Thế nhưng, với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, nhân viện Đội sản xuất 4 đến nay tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, đời sống nhân dân từng bước đổi thay.
Tìm hiểu được biết, để giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm là một quá trình kiên trì vận động, thuyết phục của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4. Bởi bao đời nay, đồng bào nơi vùng cao này quen với tập tục canh tác cũ, không tin giống lúa, giống ngô, con bò bộ đội đưa về đã trồng tốt, nuôi tốt hơn giống của mình. Nắm được tâm lý, tập tục của đồng bào và nhằm phát huy hiệu quả các chương trình, dự án, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4 đã vận động một số hộ gia đình cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản trồng thí điểm giống ngô lai VL10 và nuôi bò lai sind do đơn vị hỗ trợ.
Khu đồi của gia đình anh Hơ Văn Ria, Trưởng bản Pù Toong được cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4 vận động, giúp ngày công khai hoang, quy hoạch lại, trong đó 2ha trồng ngô và 1ha trồng cỏ voi nuôi bò. Vụ ngô đầu tiên gia đình anh thu hoạch được gần 9 tấn ngô, năng suất gấp 3 lần so với giống cũ trước đây. Tiếp theo sau mô hình gia đình anh Ria, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4 đã nhân rộng ra các bản và đi đến từng hộ gia đình vận động bà con đến xem mô hình trồng ngô của các gia đình làm trước. Khác với hình thức trồng ngô “chọc lỗ” của đồng bào, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 4 đào hố nọ cách hố kia 50cm, bón lót phân lân, lấp lớp đất mỏng, gieo 2 hạt/hố rồi lấp. Các anh giải thích với bà con, rằng làm như vậy vừa tiết kiệm được giống, vừa tạo khoảng cách cho cây ngô sinh trưởng tốt, bắp to và việc bón lót rất cần thiết, vì đất ở các triền đồi đã bạc màu, cần bổ sung chất cho cây ngô phát triển.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm giống ngô lai mới, Đội còn chọn một số gia đình hỗ trợ giống bò lai sind và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc với hình thức bán chăn thả. Những gia đình được tặng bò giống, Đội đã cử cán bộ, nhân viên đến hướng dẫn, giúp ngày công, xây dựng chuồng nuôi nhốt hợp vệ sinh, cách xa nơi ở và hỗ trợ giống cỏ voi trồng làm thức ăn dữ trữ cho bò. Bằng cách làm này đã khắc phục được tình trạng thả rông trâu bò trong rừng và thường bị bệnh, và chết rét như trước đây.
Thấy hiệu quả từ các mô hình do cán bộ, nhân viê Đội sản xuất 4 làm mẫu, đồng bào đã tin và làm theo. Đến nay, hầu hết các hộ ở 11 bản xã Pù Nhi đều chọn giống ngô lai VL10 gieo trồng, vay thêm vốn của ngân hàng, phát triển đàn bò gia đình. Theo báo cáo của UBND xã Pù Nhi, năm 2017, bình quân mỗi hộ thu lãi gần 30 triệu đồng qua việc trồng ngô, từ đó hạ thấp tỷ lệ đói nghèo của đồng bào nơi đây từ hơn 80% (năm 2007) đến nay xuống còn 58,4%.
Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế đời sống bà con dân bản, Trung tá Nguyễn Quang Dũng, Đội trưởng Đội sản xuất 4 tâm sự: Khi bà con nghe và làm theo, chúng tôi đã đề nghị với chỉ huy Đoàn tăng số lượng bò và giống ngô hỗ trợ xã Pù Nhi. Chỉ tính trong ba năm từ 2014 đến 2017, đơn vị đã hỗ trợ bà con xã Pù Nhi gần 50 con bò giống và 2 tạ giống ngô lai VL10. Hàng ngày cán bộ, nhân viên Đội còn trực tiếp ra nương với đồng bào, hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc và luôn theo dõi sát sự phát triển, sinh trưởng của cây ngô lai và giống bò lai sind.
Vào thăm gia đình anh Cút Văn Mỳ, ở bản Na Tao, rót chén nước mời chúng tôi, anh vui mừng cho biết: “Gia đình tôi trước đây nghèo lắm. Nhờ bộ đội Đoàn 5 tặng một con bò và hỗ trợ giống ngô, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng nay bò đã đẻ thêm bê con, còn ngô mỗi năm thu hoạch hơn 20 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trong bản nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ đội Đoàn 5 đã từng bước thoát nghèo từ việc nuôi bò và trồng ngô lai”.
Từ những mô hình thí điểm, đến nay xã Pù Nhi đã nhân rộng, phát triển cây ngô lai và giống bò lai sind trên diện rộng, đưa tổng diện tích ngô trong toàn xã lên hơn 500ha vào gần 1.500 con bò, biến vùng đất nơi biên cương xứ Thanh thành “vựa ngô”, “thung lũng bò”.