BVR&MT – Theo kế hoạch, năm 2018, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 29 xã. Tại các xã, việc xây dựng nông thôn mới được thực hiện gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất hàng hóa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2017, có 31 xã đã được hỗ trợ 14,9 tỷ đồng từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh như Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh, 22 hợp tác xã được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng của nhân dân. Từ nguồn vốn này, các xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình phát triển sản xuất, tập trung vào một số lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản; lợn, vịt đặc sản, trồng rau an toàn; trồng chè; trồng cây ăn quả.
Đến nay, đã có nhiều sản phẩm thành hàng hóa, có giá trị kinh tế cao ngày càng đáp ứng nhu cầu số lượng, chất lượng phục vụ thị trường người tiêu dùng như: Gạo chất lượng cao Kim Phú, bưởi ngọt Xuân Vân, miến dong Lực Hành, cam sành Hàm Yên, chè Vĩnh Tân… Hiện đã có 51 xã đạt tiêu chí thu nhập, 40 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 129 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 102 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
6 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2018 là Lăng Can (Lâm Bình), Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Nhân Mục (Hàm Yên), Phúc Ninh (Yên Sơn), Sơn Nam (Sơn Dương), Thái Long (TP Tuyên Quang). Có tiền đề từ các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và những năm trước, các xã này cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xã Lăng Can (Lâm Bình) xác định phát triển các sản phẩm cây, con có thế mạnh, bao gồm: Rau bò khai, nuôi vịt suối, lợn đen…
Theo UBND xã Lăng Can, ngay khi có kế hoạch về đích nông thôn mới vào năm 2018, xã đã lựa chọn thôn Nặm Đíp xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Ông Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, thôn có 156 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Sau khi được lựa chọn là khu dân cư kiểu mẫu, chi bộ thôn đã họp, xây dựng kế hoạch chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, cải tạo vườn tạp…
Những công việc này tuy nhỏ nhưng cũng phải mất thời gian để tuyên truyền, vận động bà con, do thói quen sinh hoạt bấy lâu nay của bà con. Việc cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập được thống nhất thành lập 5 nhóm mô hình để hỗ trợ, hướng dẫn nhau kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, bao gồm: Nhóm chăn nuôi cá, nhóm chăn nuôi dê, nhóm nuôi vịt thả suối, nhóm nuôi lợn đen và nhóm nuôi gà thả vườn. Thôn cũng đưa mô hình trồng rau bò khai vào thực hiện tại 29 hộ gia đình.
Theo báo cáo của UBND xã Phúc Ninh (Yên Sơn), hiện xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, xã có nhiều tiềm lực trong phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 26,4 triệu đồng/người/năm. Hiện xã đã lựa chọn các mô hình kinh tế là điểm mạnh của xã để có thể đầu tư phát triển, gồm: Phát triển mô hình trồng bưởi, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Phúc Ninh; trồng mía nguyên liệu; nuôi cá lồng trên sông…
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa rõ nét; năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp so với các tỉnh trong vùng và so với tiềm năng của tỉnh; sản lượng hàng hóa chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh; hạ tầng nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta phần lớn chưa trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có sản lượng lớn như cam quýt, hồng không hạt, gừng, gia cầm, lâm sản… chủ yếu xuất bán sản phẩm thô chưa qua chế biến. Đây là bài toán mà tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực tìm lời giải, để có thể giúp người nông dân sản xuất sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong 2 năm 2017-2018, tỉnh lựa chọn 6 sản phẩm hỗ trợ theo chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”, bao gồm: Dê núi Thổ Bình (Lâm Bình); Rau an toàn Hồng Thái (Na Hang); Chè búp Linh Phú (Chiêm Hóa); Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); Mỳ gạo Thuật Yến Kim Phú (Yên Sơn) và Tinh bột nghệ Tiến Phát, xã Cấp Tiến (Sơn Dương).
Mục tiêu của chương trình là phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, thay đổi tư duy, phương thức tổ chức sản xuất khoa học, ý thức sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí hỗ trợ chương trình là trên 5,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 1,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các hợp tác xã, các doanh nghiệp được hỗ trợ.