BVR&MT – Đó là một trong những ý kiến nổi bật được đưa ra tại Đối thoại: “Lan tỏa Yêu thương – Chấm dứt những hình phạt thể chất và tinh thần & Thúc đẩy phương pháp kỷ luật không bạo lực” do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức ngày 22/12, tại Hà Nội.
Tham dự sự kiện có Đại diện Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội), Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, đại diện các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, các nhân viên công tác xã hội và đông đảo cá nhân quan tâm.
Sự kiện đã đóng góp và tiếp bước các hoạt động cho chủ đề “Phòng chống bạo lực, xâm hại với trẻ em” trong năm 2017, nâng cao nhận thức về chấm dứt các hình thức bạo lực với trẻ em bao gồm việc sử dụng những hình phạt bạo lực, từ đó, trao đổi và thúc đẩy những giải pháp sử dụng phương pháp kỷ luật không bạo lực với trẻ em với những hoạt động đã được tổ chức như Tháng hành động vì trẻ em và diễn đàn trẻ em do Cục Trẻ em, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội chủ trì.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cho biết, Đối thoại được tổ chức nhằm chia sẻ và trao đổi các góc nhìn khác nhau qua đó đưa ra các giải pháp để thúc đẩy việc chấm dứt những hình phạt thể chất và tinh thần trẻ em, các phương pháp kỷ luật tích cực. Với thông điệp: MỌI HÀNH VI BẠO LỰC TRẺ EM, DÙ DƯỚI DANH NGHĨA GÌ CŨNG LÀ SAI TRÁI VÀ CẦN ĐƯỢC CHẤM DỨT, chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa yêu thương, giáo dục không sử dụng bạo lực cho cha mẹ và các thầy cô giáo, đồng thời vận động chính sách để CẤM tuyệt đối tất cả các hành vi trừng phạt trẻ em dù là nhân danh giáo dục hay kỷ luật.
Đồng quan điểm trên, bà Victoria Rhodin Sandström, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nhấn mạnh: “Không có quốc gia nào trên thế giới có thể mang lại sự an toàn, tự do cho trẻ em nếu sử dụng đến các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Và để bảo vệ trẻ em, cần có sự tham gia của các bên liên quan. Một đất nước quan tâm đến trẻ em cần phải tạo ra hành lang pháp lý để trẻ em được lớn lên an toàn, phát triển toàn diện”.
Thảo luận về luật cấm các hình phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ em, Ông Trần Ban Hùng (Chuyên gia Bảo vệ Trẻ em) đề xuất: “Chúng ta cần phải đưa các điều khoản cụ thể vào Luật. Nếu các điều khoản về chống các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em chỉ dừng ở mức quy định thì nó chưa đủ mạnh. Tôi đề xuất nên xử lý nghiêm việc sử dụng các hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em theo các Nghị định”.
Về phương pháp kỷ luật tích cực – “cây đũa thần” trong giáo dục trẻ, Bà Hoàng Thị Kim Huệ – Giảng viên, Phó trưởng bộ môn – Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho hay: “Một trong những đối tượng mà chúng ta cần lan tỏa đến nhất đó chính là giáo viên”. Giáo dục kỷ luật tích cực chính là giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Nếu giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực sẽ có lợi cho học sinh, giúp các em phát huy năng lực của mình; giáo viên cũng sẽ giảm được áp lực quản lý lớp học, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh; gia đình và cộng đồng cũng sẽ có những công dân tốt.
Đối thoại cũng đã ghi nhận sự chia sẻ của các bậc cha mẹ công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó hướng đến những giải pháp nhằm chấm dứt hình phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em và thúc đẩy phương pháp kỷ luật tích cực.
Thạch Thảo