BVR&MT – Tại Chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại diễn ra từ 9-12/12, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khẳng định sẽ đánh giá cao những nhà đầu tư “không làm thay việc” của nông dân – tức sẽ hết sức hỗ trợ và tạo thuận lợi cho những dự án có thể tạo sức lan tỏa, cải thiện đời sống và tư duy sản xuất của người nông dân tại đây.
Đánh giá cao nhà đầu tư “không làm thay việc” nông dân
Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư vào Đồng Tháp diễn ra xuyên suốt từ 9-11/12 với rất nhiều hoạt động như trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, khởi nghiệp của Đồng Tháp; đặc biệt là giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các dự án lớn mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư.
Trong đó, tỉnh này đặc biệt quan tâm kêu gọi đầu tư xoay quanh “trục chính” gồm nông nghiệp-nông thôn-nông dân như xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng trung tâm cơ khí chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, trung tâm bảo quản và phân phối rau quả, nhà máy chế biến trái cây, chế biến nông sản và phụ phẩm nông nghiệp, đưa nông sản vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước…
Không giống với nhiều địa phương khác đang “mơ ước” đến cánh đồng mẫu lớn rộng hàng trăm nghìn ha để có điều kiện tối ưu hóa giá thành và chất lượng nông sản, đại diện cho lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan lại cho thấy một con đường khác phù hợp hơn cho Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung – nơi mà đất đai bị chia cắt bởi kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu và hệ thống hạ tầng có lợi thế đặc thù của giao thông đường thủy.
“Đồng Tháp không chủ trương xây dựng những dự án quá lớn, hay kêu gọi những doanh nghiệp quá lớn. Thay vào đó sẽ đánh giá cao những doanh nghiệp với hoạt động sản xuất kinh doanh có thể giúp lan tỏa được công nghệ, tay nghề, quy trình sản xuất cho nông dân”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan khẳng định.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ cũng tin rằng “trong chuỗi giá trị nông nghiệp thì mỗi người một việc, nếu nhà máy làm thay việc nông dân thì nông dân sao khá lên được?”. Và rằng “mô hình hợp lý với đồng bằng Sông Cửu Long là nhà máy nên lo khâu thương mại-phát triển thị trường, vùng trồng chỉ cần xây dựng vừa đủ để trình diễn và đào tạo công nghệ-kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân, biến nông dân thành những nhà cung cấp chuyên nghiệp”.
Thuận lợi và thách thức
Nếu theo dõi định hướng phát triển kinh tế-xã hội Đồng Tháp trong những năm qua, có thể thấy đây là nơi không chỉ được đánh giá cao về chỉ số cải cách hành chính (Par-Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà thực tế còn khá nổi tiếng với xu hướng đầu tư và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chỉ riêng cuộc thi khởi nghiệp lần 3 năm 2017 do Hiệp hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức – với chủ đề nông nghiệp, Đồng Tháp là địa phương có số lượng dự án được vào bán kết đông nhất, 26/40 dự án.
Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam từ đầu năm đến nay ước đã vào khoảng 34 tỷ USD thì phần đóng góp của Đồng Tháp cho bức tranh chung của nông nghiệp cả nước bên mặt hàng gạo, có thể nói chưa có những dấu ấn đáng chú ý. Và thực tế là đến nay Đồng Tháp vẫn chỉ mới có 19 nhà đầu tư nước ngoài.
Theo lý giải của Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, xa “nam châm” TPHCM là bất lợi đầu tiên; xuất phát điểm là tỉnh nông nghiệp, chưa thuận lợi về điều kiện tự nhiên và hạ tầng như nhiều địa phương khác cũng khiến nơi đây khó thu hút nhà đầu tư vào công nghiệp và khu vực dịch vụ. Vì vậy, “chúng tôi đang phải thay đổi cách thức phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp – tức phải bàn đến các nút thắt về bảo quản, chế biến, logistics… để tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản”.
Từ phía thông tin của giới đầu tư, câu chuyện về nguồn lực lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng là trở ngại lớn khi trình độ, ý thức lao động, tay nghề của nhân lực tại đây vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, cũng theo người đại diện chính quyền tỉnh, Đồng Tháp đang thực hiện hai chương trình lớn để “nâng cấp” nguồn nhân lực. Trong đó, trước tiên là tái cấu trúc lại hệ thống đào tạo nghề theo cách phối hợp cùng doanh nghiệp để lao động “đầu ra” có thực tế và kỹ năng tốt hơn.
Song song đó là đưa lao động đi nước ngoài, với chủ trương không chỉ để xóa đói giảm nghèo mà còn hướng tới mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực có thể thích ứng với kỷ luật, cách thức, văn hóa làm việc của các nền kinh tế tiên tiến. “Những thế hệ xuất khẩu lao động đầu tiên hiện đã quay về. Đây là nguồn lực đã sẵn sàng để kết nối với các nhà đầu tư”, vị đại diện tỉnh ủy Đồng Tháp tin tưởng cho hay.
Nhà đầu tư nói gì?
Không khó để nhận ra những nhà đầu tư lớn có mặt trong cuộc kêu gọi đầu tư về “xứ sen hồng” cuối tuần qua, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông và nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Richard Courey, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) tin rằng phát triển hạ tầng và logistics là rất quan trọng với một nền nông nghiệp, đặc biệt nếu dựa trên kinh nghiệm của Canada. Logistics sẽ giúp tối ưu hóa chi phí cho các khâu dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, từ chế biến, bảo quản đến tiêu thụ. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp kinh nghiệm để song hành cùng Đồng Tháp”, nhà phát triển các dự án hạ tầng ngỏ lời.
Bà Bùi Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Gia Định thì tin tưởng cho rằng “quyết định của Đồng Tháp về công khai kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án kèm theo quy hoạch đề xuất cụ thể là cơ hội tốt để nhiều doanh nghiệp không chỉ có cơ hội tiếp cận dự án, mà còn có thể tìm kiếm đối tác cùng trao đổi kinh nghiệm và đưa ra được những giải pháp khả thi cho các vướng mắc, khó khăn ở địa phương”.
Là người dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư khác quan tâm về nông nghiệp đến với Đồng Tháp, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ tin rằng nếu hoàn chỉnh hạ tầng thì với vị trí khá gần sông Tiền, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối với ra thế giới, Đồng Tháp có quyền kỳ vọng vào việc có thể hình thành một trung tâm chế biến sâu cho khu vực và cả nước.
“Nếu đúng như dự định của các nhà đầu tư thì trái cây Đồng Tháp trong 2-3 năm tới có thể xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản”, ông Thành thông tin thêm.