BVR&MT – Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện giao đất, giao rừng với tổng diện tích là hơn 120.487 ha, trong đó có 81.289 hộ dân tộc thiểu số được giao 80.983,35 ha.
Ông Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp giao cho hộ dân tộc thiểu số cao là huyện Chiêm Hóa hơn 20.600 ha, Sơn Dương hơn 7.800 ha, Na Hang hơn 5.000 ha…
Đi đôi với việc giao đất, giao rừng, các cơ quan chức năng luôn quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách pháp luật liên quan đến rừng. Từ năm 2006 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 16.028 hội nghị tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng cho các hộ dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh hiện có 3.295 bảng biển tuyên truyền các loại có nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; 12 bảng biển điện tử cảnh báo cháy rừng được đặt tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh; 23.375 bộ dụng cụ đã được trang bị và cấp phát cho các ban chỉ huy, các tổ đội quần chúng trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Tại các địa phương đã có 728.531 lượt hộ gia đình ký kết bảo vệ rừng với các trưởng thôn.
Chị Bàn Thị Mẩy, người Dao đỏ thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết, được các cơ quan chức năng tuyên truyền, chị hiểu được quyền và trách nhiệm của mỗi công dân với từng loại rừng. Ngoài việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, gia đình chị chú trọng chăm sóc hơn 1 ha rừng trồng trên diện tích được Nhà nước giao.
Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân tộc thiểu số giúp người dân chủ động trong thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn phát triển kinh tế. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới gần 130 nghìn ha rừng. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 563 trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại với tổng diện tích hơn 2.416 ha rừng.
Thôn Bén, xã Công Đa (Yên Sơn) hiện có 85 hộ dân, trong đó có 25 hộ là người Dao và người Tày sinh sống. Từ đầu năm 2000, toàn thôn chỉ có 5 hộ trồng rừng thì đến nay đã có 90/90 hộ dân trong thôn trồng rừng, với tổng diện tích 220 ha. 25 hộ dân tộc thiểu số trong thôn đều được giao đất, giao rừng với tổng diện tích trung bình được giao gần 2 ha/hộ. Được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về chính sách giao đất, giao rừng, bà con phấn khởi đầu tư giống, phân bón tập trung trồng rừng. Nhiều hộ như gia đình anh Ma Văn Hòa, Ma Văn Mạnh đã thu lãi 200 triệu đồng từ hơn 5 ha rừng trồng.
Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ người dân tộc thiểu số đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các hộ gia đình được giao đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các hộ dân được giao đất trong thời hạn 50 năm có quyền đưa đất vào sử dụng, chủ động đầu tư cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, sản lượng hàng hóa, nâng cao hệ số sử dụng đất.