BVR&MT – Những năm gần đây, hậu quả của biến đổi khí hậu ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững đất nước.
Trước những diễn biến phức tạp của hiện tượng này, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hành động nhằm ứng phó.
Một trong những giải pháp quan trọng là phải có sự phối hợp, liên kết giữa các bộ, ngành, đặc biệt là liên kết giữa các địa phương và vùng, miền cùng nhau “chung tay” thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Bài 1: Những trở ngại trong liên kết vùng
Liên kết vùng là sự thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong vùng lãnh thổ có không gian, thời gian nhất định, với các mối quan hệ liên kết giữa các chủ thể nhất định và theo những thỏa thuận đã được ký kết, để sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực phát triển nhằm hướng tới sự phân bổ lợi ích hợp lý, cùng nhau chia sẻ rủi ro, bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội cao và phát triển bền vững.
Điều đó được thể hiện khá rõ nét trong sáu vùng kinh tế-xã hội của Việt Nam. Đó là Vùng Trung du miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thiếu thống nhất và đồng bộ
Theo nhận xét của giáo sư-tến sỹ Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, biến đổi khí hậu là vấn đề liên ngành, liên vùng, nên từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đề cập đến vấn đề liên vùng, liên ngành trong việc ứng phó. Tuy vậy, hiện nay một số chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ, thậm chí chồng chéo giữa các lĩnh vực, khu vực nên chưa phát huy được hiệu quả cao.
Ví dụ như việc chia sẻ tài nguyên nước trong xây dựng các công trình thủy điện và nhu cầu tưới tiêu, sử dụng nước trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Việc quy hoạch thoát lũ và việc quy hoạch phát triển đô thị ven biển chưa đảm bảo tính liên vùng, liên lĩnh vực. Xây dựng chương trình đê biển chưa có sự kết nối với quy hoạch giao thông, phát triển cụm dân cư theo mô hình đô thị xanh, kiến trúc xanh…
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của sáu vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhưng sự liên kết giữa các địa phương trong quá trình lập quy hoạch còn nhiều hạn chế. Bởi phần lớn quy hoạch kinh tế-xã hội vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh, thành phố mới bắt đầu tích hợp vấn đề đánh giá môi trường chiến lược, chưa đưa vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu vào thành nội dung của quy hoạch.
Đơn cử như thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long cùng chung dòng sông Hậu, song do thiếu phối hợp trong xây dựng quy hoạch và quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nên đã xảy ra tình trạng đối ngược nhau trong bố trí không gian phát triển. Cụ thể là thành phố Cần Thơ thiết kế khu đô thị Nam Cần Thơ nằm bên sông Hậu. Còn bên đối diện, tỉnh Vĩnh Long lại quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Bình Minh. Trong quy hoạch khu công nghiệp này, các ngành hóa chất, chế biến thủy sản… đều là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước… trên diện rộng.
Cả về lý luận và thực tiễn, ứng phó với biến đổi khí hậu phải có sự liên kết theo vùng, ngành. Trong khi đó các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính chất đơn lẻ, cục bộ trong từng bộ, ngành và các địa phương trong một vùng. Điều đó dẫn tới hiệu quả không cao, không đạt được như mục đích kỳ vọng. Chưa kể các đề xuất về tài chính thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu đều vượt quá khả năng của ngân sách nhà nước.
Thực trạng liên kết qua các dự án
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích dữ liệu danh mục các dự án thuộc Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm qua, trong đó có 122 dự án do Trung ương thực hiện và 101 dự án thực hiện tại địa phương, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thấy nổi lên những vấn đề bất cập cần phải tháo gỡ. Đó là các dự án chủ yếu tập trung vào nghiên cứu tác động của biến đổi, mức độ tổn thương của các ngành và lĩnh vực, truyền thông biến đổi khí hậu.
Bước đầu xây dựng một số mô hình điểm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng hầu như không có dự án nào mang tính chất tổng hợp, liên vùng được xây dựng và thực hiện. Các dự án vẫn tiến hành cục bộ trong từng ngành, lĩnh vực hoặc địa phương. Kể cả các dự án nằm trong Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (CP-RCC) thì trong tổng số 16 dự án được ưu tiên thực hiện đến cuối năm 2014, cũng chẳng thấy dự án nào mang tính chất ứng phó tổng hợp, liên vùng được thiết kế thực hiện.
Qua tổng hợp kết quả khảo sát tại 20 tỉnh ở sáu vùng kinh tế-xã hội của cả nước cũng đã xuất hiện các liên kết vùng giữa các địa phương, trong các lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên nước và lưu vực sông, dịch vụ môi trường rừng, vận hành hồ thủy điện và phân lũ… Tuy vậy, các loại hình liên kết vùng phổ biến là tập trung vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế-văn hóa-xã hội là chính.Trong khi liên kết về phòng tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn rất thấp.
Trong tổng số 11/20 tỉnh được nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát, tần suất về liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội được đề cập nhiều nhất ở các địa phương. Đặc biệt đối với tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, thành phố Cần Thơ thì việc liên kết trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu có tần suất xuất hiện cao hơn hẳn so với các địa phương khác.
Nhưng trên thực tế, vấn đề liên kết vùng đối với các địa phương vẫn là rất mới, ngay cả trong việc liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội bởi thiếu cơ chế điều phối và khung pháp lý đặc thù, nhất là thiếu nguồn lực tài chính. Trong đó các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương mới chỉ tính đến việc huy động tối đa sức người, sức của và cơ chế vận hành của các sở, ban, ngành địa phương chứ chưa chú trọng tới lợi ích của việc liên kết vùng. Do đó, việc đưa liên kết vùng vào các nội dung của kế hoạch rất ít và trên thực tế chưa được thực hiện.