BVR&MT – Vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã phối hợp với Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ đồng tổ chức hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường” với mong muốn tạo ra diễn đàn để ban quản lý các rừng phòng hộ (RPH) và các chuyên gia cùng thảo luận với các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương về các vấn đề quản lý RPH.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu rà soát, nhìn nhận lại và thảo luận sâu sắc hơn về hiện trạng, thách thức về chính sách, tổ chức và quản lý, bảo vệ RPH ở Việt Nam; qua đó thảo luận và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ và phục hồi RPH hướng tới quản trị tốt hơn và đảm bảo an ninh môi trường-sinh thái; và đề xuất, xác định các ưu tiên cho việc quản lý, bảo vệ và phục hồi RPH trong tương lai.
Tại hội thảo, ông Trần Hữu Nghị, tổ chức Tropebos Việt Nam chia sẻ về ứng dụng tiếp cận quản lý tổng hợp cảnh quan lưu vực trong quản lý rừng phòng hộ. Trong đó, ông đã trình bày những khó khăn, thách thức trong ứng dụng tiếp cận cảnh quan và các vấn đề phục hồi rừng như: dân số gia tăng cơ học dẫn đến nạn phá rừng, suy giảm tài nguyên rừng; cây công nghiệp/hàng hóa phát triển khó kiểm soát về an ninh lương thực, lấn chiếm đất rừng. Cần nâng cao vai trò của các tổ chức Xã hội dân sự CSOs, và cộng đồng.
Trong những năm qua công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng còn thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều dự án phát triển chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, suy giảm chất lượng rừng… sạt lở đất rừng tăng cao” (Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng).
Nhiều chuyên gia đã khẳng định, mất RPH đầu nguồn là một nguyên nhân chính gắn liền với lũ quét, sạt lở đất với hậu quả ngày càng trở nên nặng nề và khốc liệt hơn. Thực tế này đặt ra các yêu cầu cấp thiết về củng cố, mở rộng, làm giàu hệ thống RPH hiện có, đồng thời cân nhắc các hành động chuyển đổi RPH (là rừng tự nhiên) sang các mục đích sử dụng khác.
Việt Nam đang có những cơ hội tốt để cải thiện công tác quản lý, bảo vệ hệ thống RPH (đầu nguồn), thể hiện qua quyết tâm của Nhà nước về “đóng cửa rừng tự nhiên”, tăng cường thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cải thiện quản trị lâm nghiệp, củng cố đầu mối tham mưu quản lý Nhà nước về RPH (thành lập Vụ Quản lý rừng đặc dụng và RPH thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), bên cạnh các khung chính sách lớn khác của Trung ương và địa phương như Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng 2016-2020, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, các kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như các chương trình hỗ trợ giảm nghèo ở các địa bàn mục tiêu.
Tuy nhiên, với sức ép ngày càng tăng lên tính toàn vẹn của hệ thống RPH, cũng như sự suy giảm khả năng đảm bảo an ninh môi trường – sinh thái, có rất nhiều vấn đề và thách thức đặt ra cần được hiểu rõ, đồng thuận để có giải pháp can thiệp hiệu quả như: chia sẻ các lợi ích và các cơ chế khuyến khích tham gia của cộng đồng trong vấn đề quản lý, bảo vệ, sử dụng, phục hồi RPH bền vững; xác lập hệ thống giám sát quản trị RPH để hỗ trợ đối với các chính sách của nhà nước hay đầu tư tài chính, huy động các nguồn lực xã hội, cơ chế hợp tác công tư trong quản lý, bảo vệ RPH bao gồm ý nghĩa của các sáng kiến lâm nghiệp mới như PES, REDD +…
Hội thảo đã góp phần làm rõ được hiện trạng, thách thức của RPH hiện nay, bên cạnh đó qua các cuộc thảo luận của các lãnh đạo, đại biểu tham dự đã trao đổi về lộ trình cho việc quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ trong tương lai một cách có hiệu quả.
Thạch Thảo – Xuân Mạc