BVR&MT – Không những sử dụng phân hữu cơ vi sinh thân thiện với môi trường, người dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) biết tìm hiểu học hỏi tự chế ra thuốc trừ sâu thảo dược để bảo vệ cây trồng và góp phần giảm thiểu thuốc trừ sâu hóa chất, không gây ô nhiễm với môi trường, đồng thời phát triển nông sản sạch nhằm đáp ứng yêu cầu cao của thị trường tiêu dùng.
[Video clip] Quá trình sản xuất thuốc trừ sâu thảo dược bảo vệ môi trường tại xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Thuốc trừ sâu tự làm từ cây gần nhà
Với mong muốn sản xuất với cây trồng sạch đưa ra thị trường tiêu dùng. Người dân xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn là một nơi đưa thuốc trừ sâu từ thảo dược vào chăm sóc cây ăn quả.
Theo ông Hoàng Đức Cường chủ tịch UBND xã Phường Sơn, việc sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược (BVTV) đã có từ 3 năm trước. Bắt đầu từ mô hình trăm sóc cây từ những hộ dân đầu tiên ở thôn Chể, xã Phượng Sơn đưa thuốc trừ sâu thảo dược vào chăm sóc vườn cây có ăn quả có múi.
Nhận thấy việc sử dụng thuốc trừ sâu ngoài thị trường có hàm lượng chất hóa học cao. Từ đó người dân địa phương học hỏi, tìm tòi sau đó sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược có nhiều ưu điểm nên vợ chồng chị Thơi là hộ gia đình đầu tiên đã quyết định áp dụng ngay vào chăm sóc vườn cam, bưởi nhà mình.
Đánh giá cao hiệu quả của việc sử dụng thuốc BVTV này là không độc hại cho người trồng, chăm sóc cây ăn quả và người sử dụng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất. Ngoài việc phòng trừ sâu gây hại trên cây ăn quả còn sử dụng tốt cho rau. Đặc biệt là khi sử dụng thuốc trừ sâu này không cần phải có thời gian cách li như thuốc BVTV hóa học; đỡ nhiều mùi hóa chất gây ô nhiễm môi trường và không có vỏ bao bì nên không phải xử lý sau khi phòng trừ sâu gây hại.
Theo cán bộ khuyến nông xã, nguyên liệu sử dụng làm thuốc sâu thảo dược thì có nhiều nhưng chỉ tập trung vào các loại chính và theo tỷ lệ thích hợp: ớt 3kg; thuốc lào 0,3kg; quế từ 0,5 – 1kg; mật nhân 1kg; tỏi 2kg để ngâm với 10 lít rượu. Thời gian ngâm khoảng 1 tháng. Liều lượng dùng pha 300ml thuốc thảo dược cho 200 lít nước để phun cho cây trồng.
Từ khi sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược, rất ít khi người dân ít phải quay lại dùng thuốc trừ sâu hóa học. Hiện tại, đã có hơn 400 hộ sử dụng thuốc BVTV thảo dược. Trong đó, tổng số đất trồng cây ăn quả là hơn 900 ha. Với việc sử dụng này, mỗi năm giảm thiểu một lượng lớn thuốc BVTV hóa học khá lớn ra môi trường.
Xây dựng thương hiệu cây có múi sạch
Ông Hoàng Đức Cường chủ tịch UBND xã Phường Sơn cho biết: mong muốn người dân duy trì sử dụng thuốc BVTV từ thiên nhiên, phân bón vi sinh có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường. Từ đó, xây dựng thương hiệu cây có múi sạch của địa phương. UBND xã luôn chú trọng chỉ đạo nhân dân sản xuất nâng cao chất lượng, dần để nhiều sản phẩm bảo đảm theo các tiêu chuẩn VietGap.
Được biết, trong toàn xã Phượng Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 2000 ha. Trong đó, xã có hơn 900 ha là cây ăn quả. Trọng tâm, tập trung vào vải thiều và các loại cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2016 tổng giá trị từ cây ăn quả của xã đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó giá trị từ vải thiều đạt hơn 100 tỷ đồng. Giá trị sản xuất /1ha đất nông nghiệp của xã hiện đạt hơn 70 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 đạt 56 triệu đồng/người/năm.
Có thể nói nhờ bản tính năng động, cần cù chịu khó của người nông dân Phượng Sơn tự chế thuốc trừ sâu thảo dược là hướng đi đúng đắn góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này có hiệu quả thực sự, từ đó nhân rộng ra nhiều nơi. Rất cần có sự đánh giá của cơ quan chuyên môn để góp phần bảo vệ môi trường, đưa cây có múi đến thị trường tiêu dùng là những sản phẩm sạch.
Văn Trì – Đình Thọ