BVR&MT – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quyết định 3232/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Theo đó, mục tiêu là khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm đảm bảo mục tiêu khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; làm cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững.
Nội dung cụ thể như sau: khoanh định 1.676 danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Tổng diện tích khu vực cấm hoạt động khoáng sản là 37.292,77 ha, gồm 268 danh mục dạng vùng, 1.382 danh mục dạng điểm và 26 danh mục dạng tuyến, trong đó: An ninh, quốc phòng 163 khu vực với diện tích cấm là 19.698,758 ha; di tích lịch sử – văn hóa, cơ sở tôn giáo, di chỉ khảo cổ 1.144 khu vực, diện tích bảo vệ (diện tích cấm) dành cho di tích lịch sử, văn hóa tôn giáo là: 343,720 ha, diện tích cấm dành cho khảo cổ là 1,556 ha.
Bên cạnh đó, hành lang bảo vệ đê điều 5 tuyến đê với tổng chiều dài 125,17 km, diện tích cấm 462,115 ha; hành lang bảo vệ giao thông đường bộ 5 tuyến quốc lộ, 11 tuyến tỉnh lộ, 1 tuyến đường sắt tổng chiều dài 294,40 km, diện tích cấm 621,04 ha, hành lang bảo vệ lưới điện cao áp 4 tuyến đường điện tổng chiều dài 148,97 km, diện tích cấm 1.039,05ha; khu du lịch sinh thái, danh lam thắng cảnh 9 khu vực diện tích cấm 3.067,75 ha; khu vực rừng phòng hộ, rừng Quốc gia, khu bảo tồn sinh thái 14 khu vực với diện tích cấm 6.013,21 ha; khu vực hồ thủy lợi 200 khu vực, diện tích cấm 1.022,87 ha…
Trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản tuyệt đối không được phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Với khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản không có khu vực nào đưa vào khoanh định là khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Số liệu khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản công bố là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công trình quốc phòng, an ninh, công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện…
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý chặt chẽ các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố, thị xã nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ tài nguyên,khoáng sản trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động khoáng sản. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010 và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động khoáng sản vi phạm khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan;
Trong quá trình thực hiện, tùy theo yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý, các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tình có thể được bổ sung, điều chỉnh phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan có trách nhiệm chủ động đề xuất, lập hồ sơ gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, quyết định.
Hoàng Tưởng