BVR&MT – Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số quay vòng đất, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, cây trồng vụ đông ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó dưa chuột được xem là một trong những cây chủ lực.
Những ngày này, bà con nông dân xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn đang tất bật thu hoạch dưa chuột trên diện tích vụ Đông sớm. Năm nay bà con phấn khởi bởi dưa được mùa, được giá.
Vụ Đông 2017, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn đưa vào sản xuất 6 ha dưa chuột giống F1 Thái Lan, tăng 1 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đã bắt đầu ra hoa, riêng một số diện tích trồng sớm đã cho quả thu hoạch.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hợi ở xóm 16, xã Xuân Lâm: Trước đây, trên diện tích gần 2 sào đất màu, gia đình chỉ chuyên trồng ngô, thu nhập thấp. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dưa chuột mang lại, chị đã mạnh dạn đưa cây dưa chuột vào trồng. Để có sản phẩm dưa sạch, thị trường tin dùng, gia đình chị đã tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái nên nhiều khách hàng tìm đến mua. Năm nay, do giá cả các mặt hàng rau xanh tăng cao nên giá bán dưa chuột cao hơn các năm trước. Giá bán hiện tại 1 kg dưa chuột dao động từ 7.000 – 8.000 đồng.
“Trồng dưa chuột không khó nhưng phải thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kip thời. Năm nay ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, nhưng nhờ tiêu úng kịp thời nên toàn bộ dưa chuột của gia đình tôi phát triển tốt, thu hoạch với giá bán cao” – Chị Hợi cho biết thêm.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số quay vòng đất, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, dưa chuột trồng vụ đông ở xã Xuân Lâm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và được xem là một trong những cây chủ lực. Trước đó, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, UBND xã đã tổ chức hội thảo đầu bờ để nhân dân trong xã học tập, nhân rộng; Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã phối hợp với trạm khuyến nông huyện Nam Đàn, xây dựng mô hình dưa chuột sạch theo hướng VietGAP với quy mô 1.5ha. Ban đầu có 20 hộ tham gia, bà con được hỗ trợ 100% tiền giống, ngoài ra còn được trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm, đồng thời khuyến khích nông dân chuyển đổi những chân ruộng màu mỡ, thuận lợi tưới tiêu và vận chuyển hàng hoá sang trồng loại cây này.
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Phan Văn Hảo xóm 16 xã Xuân Lâm trồng 3 sào dưa chuột trên đất ruộng. Ông Hảo cho biết: “Năm nay vùng dưa hai xóm 16, 17 rất được mùa, mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng được bà con nông dân chăm sóc và thoát ngập úng nhanh, nên không ảnh hưởng gì tới chất lượng cũng như hiệu quả của cây trồng cả. Giá dưa chúng tôi bán tại vườn cũng từ 8 đến 10.000 nghìn đồng/kg”.
Không chỉ có hộ dân ông Phan Văn Hảo, mà bà con địa phương của xã Xuân Lâm cũng phấn khởi với mùa thu hochj vụ đông năm nay. Bà Hồ Thị Nga phấn khởi: “Từ ngày tham gia mô hình trồng dưa chuột theo hướng VietGAP, bà con nông dân có thu nhập ổn định, nhiều nhà có của ăn của để, kinh tế đi lên, cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Bên cạnh đó, niềm vui lớn nhất là chúng tôi được cung cấp thực phẩm sạch, đạt an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng tròng xã, các địa bàn lân cận. Hi vọng sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ, để nhiều bà nội trợ được sử dụng nông sản sạch như chúng tôi”.
So với một số giống dưa đã được bà con đưa vào trồng từ nhiều năm nay, giống dưa F1 Thái Lan có nhiều ưu điểm vượt trội như: sai quả, vỏ mỏng, dưa giòn, thơm, thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 40 – 45 ngày là cho thu hoạch). 1 ha dưa chuột nếu chăm sóc tốt thu về xấp xỉ gần 100 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây dưa chuột mang lại, năm 2017, xã Xuân Lâm đã đưa cây dưa chuột vào trồng theo mô hình xây dựng cánh đồng thu nhập cao ở xóm 16 và 17.
Bằng sự nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là sản xuất theo hướng rau sạch nên dưa chuột Xuân Lâm đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đình Nguyên – Ngọc Thăng