BVR&MT – Theo báo cáo nhanh ngày 21/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đêm ngày 20/11, rạng sáng ngày 21/11 các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to.
Cảnh báo: vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp từ Quảng Trị đến Quảng Nam có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Về tình hình thiệt hại do thiên tai, theo các báo cáo nhanh ngày 20/11 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Bình Dương và An Giang, thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 14 tại các địa phương nêu trên như sau:
Về người: Người chết: 01 người (Ông Nguyễn Giỏi, sinh năm 1965, thường trú tại Tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Nguyên nhân: 6h30 sáng 20/11, ông Giỏi đi kiểm tra khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình và bị lật thuyền trên đường về nhà. Người bị thương: 01 người (Vĩnh Long).
Về nhà ở: Nhà bị ngập: 7.070 hộ bị ngập lụt từ 0,2 – 0,6m (Thừa Thiên – Huế). Nhà sập đổ, tốc mái: 377 nhà (Đồng Tháp: 163; Vĩnh Long: 99; Bình Dương: 105; An Giang: 10). Về nông nghiệp: 397 ha lúa, hoa màu bị ngập, đổ ngã (Vĩnh Long: 247 ha lúa; Bình Dương: 90 ha lúa; An Giang: 180 ha lúa; 60 ha rau màu tại An Giang).
Về giao thông: Đường bộ: Một số tuyến đường liên xã tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị ngập sâu từ 0,2 – 0,6m, hiện nước đang rút dần. Đường sắt: Lúc 12h30 ngày 20/11, đất đá sạt lở đã vùi lấp đoạn đường ray tại Km 758 + 400 trên tuyến đường sắt Bắc – Nam (thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ngành đường sắt đã huy động lực lượng và phương tiện để xử lý nhằm sớm khắc phục để thông tuyến. Ngay trong tối 20/11, đoạn sạt lở trên đã được xử lý thông tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo và đôn đốc các địa phương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục phát tin về tình hình mưa lũ sau bão số 14 và không khí lạnh để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai Công điện số 91/CĐ-TW ngày 19/11/2017 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với không khí lạnh, trong đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Thái Nguyên đã có công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp ứng phó với không khí lạnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và đề phòng ngập lụt, úng do ảnh hưởng của không khí lạnh ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.