BVR&MT – Tân Long được biết đến là xã thuộc diện 135 của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian qua, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MtQG giảm nghèo bền vững 2016 – 2020, Tân Long đang từng bước đổi thay tích cực về mọi mặt kinh tế xã hội.
Xã có 09 xóm chia thành 2 miền rõ rệt (miền trong 5 xóm, miền ngoài 4 xóm), Xã có 08 dân tộc cùng chung sống là: Nùng, kinh, Mông, Dao, Cao Lan, Sán chí, Sán dìu, Tày, dân cư sinh sống phân bố rải rác không tập trung. Trình độ dân trí còn thấp, nhất là đồng bào dân tộc ít người ở xóm Mỏ Ba và Lân Quan. Đời sống kinh tế của của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi. Tập quán canh tác còn lạc hậu mang tính quảng canh, sản phẩm làm ra chủ yếu là tự cung, tự cấp. Vì thế mà hoạt động xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử về việc giải ngân hiệu quả nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thoát nghèo của xã, ông Hoàng Hồng Nhật – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Được sự quan tâm Lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự giúp đỡ của các phòng ban huyện Đồng Hỷ. Trực tiếp là phòng NN& PTNT, Phòng dân tộc huyện Đồng Hỷ. Ban quản lý dự án chương trình 135 được thành lập và thường xuyên được kiện toàn. Nhân sự có 14 người, do đồng chí phó chủ tịch UBND làm trưởng ban. BQL có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho các xóm, chỉ đạo và hướng dẫn các xóm tổ chức họp bình xét, lựa chọn hạng mục hỗ trợ, hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện theo đúng quy trình quy định”.
Năm 2017 xã được phân bổ nguồn vốn: 1,135 tỷ của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; 1,026 tỷ chương trình nông thôn mới; 269 triệu cho chương trình 135 ổn định sản xuất; hơn 700 triệu cho đề án 2037 hỗ trợ dân tộc về giống, và phân bón.
Do số hộ nghèo của xã còn ở mức cao (43%), nguồn vốn đầu tư chương trình 135 ít, dàn trải, định mức hỗ trợ cho người nghèo còn thấp chưa đáp ứng đủ chi phí để phát triển sản xuất, điều kiện phát triển kinh tế của mỗi gia đình khác nhau do vậy việc lựa chọn hình thức đầu tư hỗ trợ gặp không ít khó khăn.
Năm 2017 Đảng bộ xã Tân Long đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đổi mới và phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng học tập, đời sống của thầy và trò. Số tiền 1,135 tỷ của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã Tân Long cho đầu tư xây mới 2 phòng ăn của Trường tiểu học Sa Lung.
Ban chỉ đạo Chương trình 135 xã đã chỉ đạo các xóm tổ chức họp bình xét hộ nghèo thực hiện tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135, dưới sự giám sát của Đảng ủy, UBMT tổ quốc xã.
Tuy nhiên đến nay nguồn ngân sách 269 triệu của chương trình 135 xã vẫn chưa giải ngân được, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ huyện Đồng Hỷ. Xã mới giải ngân được khoản tiền hơn 700 triệu cho đề án 2037 hỗ trợ dân tộc về giống, và phân bón, hỗ trợ sản xuất.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ thường xuyên từ Trung ương thực hiện dự án của các chương trình, đến nay các hộ nghèo của xã được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ mỗi hộ được vay 50.000.000 để sản xuất.
Theo quan sát của phóng viên, Trường tiểu học Sa Lung được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ từ lớp học đến phòng ăn.
Để có được kết quả này là do sự lãnh đạo của Đảng, và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các đoàn thể xã Tân Long. Trong thời gian tới, bộ mặt Tân Long sẽ từng bước đổi thay nhờ vào sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ và chính quyền xã sử dụng nguồn vốn hiệu quả của những chương trình giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất.
Phượng Long