BVR&MT – Ngày 11/11/2017, huyện Mường Khương long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Quýt và công bố Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Quýt Mường Khương”. Đây cũng là sự kiện nhằm quảng bá giới thiệu thương hiệu Quýt Mường Khương khi được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể.
Lễ hội quýt huyện Mường Khương được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng huyện Mường Khương ( 11/11/1950 – 11/11/2017).
Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lý Seo Dìn, Ủy viên Ban Thường vụ , Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
Mường Khương là huyện vùng cao biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, thụ hưởng Chương trình 30a (thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)) của Chính phủ. Cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc đã nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh – quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực lao động của người dân, Mường Khương đã hình hành vùng quýt hàng hóa, tập trung ở các xã, thôn bản biên giới, trên vùng đất đá có độ dốc cao, thiếu nước tưới; với gần 400 ha (có 100 ha đang cho thu hoạch), cho sản lượng hằng năm hơn một nghìn tấn quả, đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng, là “mũi nhọn” xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Tu, Dí, Pa Dí, Phù Lá, Nùng.
Lễ hội quýt năm 2017 là hoạt động ý nghĩa, là cơ hội để đồng bào các dân tộc giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm quýt sạch với du khách. Đồng thời quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa của địa phương, tạo động lực phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thông qua đó liên kết sản phẩm nông nghiệp với thị trường, phát triển ổn định vùng nguyên liệu quýt, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, giúp người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm, từ đó tích cực phát triển, hình thành vùng nông sản hàng hóa đặc hữu của địa phương.
Tại lễ khai mạc, huyện Mường Khương đã công bố nhãn hiệu “Quýt Mường Khương” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu. Đây là đặc sản thứ 3 của địa phương (sau sản phẩm ớt và gạo Séng Cù) được công nhận nhãn hiệu gắn với địa danh, giúp các sản phẩm này có chỗ đứng vững và vươn xa hơn trên thị trường.
Lễ hội quýt diễn ra với nhiều hoạt động như trưng bày 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm quýt (quýt quả, cây quýt giống) và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản Mường Khương (tương ớt, gạo Séng Cù, cam, chuối, dứa, đậu tương vàng, thổ cẩm,…). Tổ chức thi dán tem nhãn hiệu lên sản phẩm quýt, trang trí gian hàng và thuyết minh giới thiệu sản phẩm cùng một số hoạt động trò chơi dân gian.
Đến với lễ hội, du khách được tìm hiểu không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao với các trò chơi dân gian, thưởng thức các làn điệu dân ca đặc sắc, các món ăn ẩm thực vùng cao tại chợ đêm, đồng thời trải nghiệm, tham quan các mô hình trồng quýt của đồng bào dân tộc Dao, Pa Dí,…
Cây quýt được huyện Mường Khương đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2002, ban đầu mới chỉ thực hiện trên diện tích 2 ha. Sau 3 năm cây quýt cho thu hoạch, qua đánh giá thu nhập từ trồng quýt cao gấp 10 lần với trồng cây lương thực.
Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, hơn nữa lại được trồng bởi một giống quýt đặc biệt và kỹ thuật chăm bón tốt nên quýt Mường Khương có hương vị thơm ngon khác biệt với các vùng khác, trở thành một giống quýt riêng mà chỉ ở Mường Khương mới có.
Hiện, toàn huyện có 348 ha quýt tập trung tại các xã Tả Ngải Chồ, Lùng Khấu Nhin, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương. Sản lượng quýt hàng năm cho thu hoạch đạt trên 1.000 tấn với tổng giá trị đạt trên 20 tỷ đồng.
Một số hình ảnh phóng viên ghi lại tại lễ hội:
Chiến Hữu – Hoàng Chất